Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm nông lâm nghiệp thủy sản tăng 1,72% so với năm 2019. Sản lượng lương thực ước đạt 289.497 tấn, đạt 111,34% kế hoạch. Diện tích trồng mới, tái canh cây công nghiệp dài ngày ước đạt 257,3ha đạt 111,8% kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 37.427 tấn, đạt 92,4% kế hoạch. Trồng rừng tập trung 8.200ha, đạt 136,6% kế hoạch, tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản dự kiến đạt 35122 tấn, đạt 94,9% kế hoạch.
Nét nổi bật trong trồng trọt đó là ứng phó hạn hán, tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước và mở rộng trên đất màu sang các cây trồng cạn như ngô, rau màu, lạc. Bên cạnh đó mở rộng diện tích lúa chất lượng cao và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật mới, chú trọng phát triển công nghệ cao. Đồng thời tăng cường xúc tiến và kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân. Tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch tạo vùng nguyên liệu chế biến, tạo ra động lực để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo tăng cường tập huấn kỹ thuật, thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đào tạo nghề cho nông nghiệp nông thôn, chú trọng công tác khuyến nông, tiếp tục triển khai nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sinh kế cho người dân. Công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản ngày càng được chú trọng, qua công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đã chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mặt khác tăng cường kiểm tra các cơ sở, điểm giết mổ gia xúc gia cầm, kinh doanh thuốc thú y, bảo vệ thực vật, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi và phân bón. Ngành nông nghiệp cũng đã kịp thời phân bổ nguồn lực và hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2020 toàn tỉnh Quảng Trị có 7 đến 8 xã đạt chuẩn, nâng số xã lên từ 55 đến 56 xã.
Chưa kịp vui mừng với những thành quả mang lại thì tỉnh Quảng Trị đã hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai các trận lũ lớn và bão số 9 vào thàng 10 và tháng 11 gây ra thiệt hại hết sức nặng nề trong sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp tổn thất rất nặng nề, ước giá trị thiệt hại là hơn 2.900 tỷ đồng. Sau bão lũ, sản xuất nông ghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với những khó khăn và thách thức rất lớn, hơn 1.646 ha đất sản xuất bị bồi lấp, trong đó 1.460 ha bị thay đổi hiện trạng cần phải cải tạo kịp thời để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021; 186,8ha chưa thể khôi phục do rất nhiều đất đá vùi lấp, cần nghiên cứu để cải tạo, chuyển sang hình thức phi nông nghiệp. Nguồn giống cây trồng vật nuôi chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông Xuân 2020-2021 bị thiếu hụt nghiêm trọng khoảng 2000 tấn giống lúa, 80 tấn giống ngô, 20 tấn giống rau các loại.....
Để khắc phục hậu quả trong lịch vực nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp đã chủ động liên kết, kết nối, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân một số chủng loại giống cây trồng vật nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời phân bổ nguồn dự trữ quốc gia, hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị 5 tấn giống rau, 5 tấn giống ngô nếp. Ngoài ra các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương 81 tấn giống lúa, 4 tấn giống ngô, 540kg giống rau các loại, 1250kg chế phẩm để khôi phục cây hồ tiêu. Đối với chăn nuôi đã đã tiếp nhận và tổ chức úm tập trung 10.690 con gà 1 ngày tuổi tại huyện Triệu Phong và Gio Linh. Phân bổ 50 tấn hóa chất florin 65% min và 300.000 lít hóa chất các loại để thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường nuôi thủy sản, chăn nuôi sau bão lụt. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình vịt biển khôi phục sinh kế cho các xã ngập lũ với quy mô 5000 con vịt biển. Tiếp tục có phương án tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Trung Ương, các tổ chức cá nhận để giúp người chăn nuôi khôi phục lại sản xuất gồm 123.310 gà giống 1 ngày tuổi, 2000 con ngan, 10.000 lít hóa chất các loại để tiêu độc môi trường chăn nuôi. Cùng với đó đã thả giống các bố mẹ với chủng loại số lượng 150kg cá trắm cỏ, 100kg cá rô phi, và đang có phương án tiếp nhận phân bổ 10 triệu tôm giống, 20 tấn thức ăn do Trung ương hỗ trợ.
Đặc biệt để chuẩn bị cho vụ sản xuất ĐX 2020-2021, trước mắt ngành nông nghiệp Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương chủ động liên hệ, kết nối huy động các nguồn lực, tập trung cải tạo đồng ruộng, trả lại mặt bằng sản xuất và tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp. Hỗ trợ người dân sửa chữa, nạo nét, hàn gắn các công trình thủy lợi khắc phục các cống lấy nước đầu kênh bị bồi lấp, hệ thống mương bị cuốn trôi, sửa chữa trạm bơm và nạo vét bể hút bể xả để chuẩn bị bơm tưới.
Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, ông Hồ Xuân Hòe cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung tham mưu với UBND tỉnh đề án khôi phục khẩn cấp thiên tai trong sản xuất nông nghiệp và khẩn trương triển khai vụ Đông xuân 2020-2021. Trong đó, có một số gải pháp trọng tâm như sau: thứ nhất huy động lòng ghép mọi nguồn lực, đề xuất Trung Ương, các tổ chức trong và ngoài nước tập trung hỗ trợ người dân đảm bảo đủ nguồn giống, đúng phẩm cấp để sản xuất. Thứ 2 khẩn trương cùng với các địa phương chỉ đạo công tác cải tạo đồng ruộng, trả lại mặt bằng sản xuất và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp do thiên tai gây ra. Thứ 3 là huy động mọi lực lượng cùng với các địa phương ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, đồng thời khẩn trương sửa chữa hạ tầng thủy lợi cấp thiệt kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-20121 và các công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo cấp nước cho người dân các vùng bị thiệt hại do mưa lũ. Thứ tư là khuyến khích người dân đẩy mạnh nuôi cá nước ngọt và khai thác xa bờ vụ cá bắc để bù đắp sản lượng tôm, cá bị mưa lũ cuốn trôi trong thời gian vừa qua.
Ông Hồ Xuân Hòe cho biết thêm về lâu dài ngành nông nghiệp Quảng Trị đang tiếp tục xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch và phân loại mức độ đề xuất thứ tự ưu tiên, để lồng ghép vào các chương trình dự án. Đồng thời rà soát đánh giá tác động ảnh hưởng toàn diện của thiên tai nhất là bảo, lũ, lũ quét, sạt lỡ đất trên tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép điều chỉnh chiến lược quy hoạch, kế hoạch xây dựng các kịch bản phòng ngừa ứng phó phù hợp theo hướng đa mục tiêu. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khó lường và cực đoan.