Năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai thực hiện 13 dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gắn với phát triển sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được phân bổ vốn tại Quyết định số 3771/ QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh. Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh là một trong các đơn vị được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Giám đốc công ty Nguyễn Thị Anh Đào cho biết: “Công ty vừa mua máy cân định lượng để phục vụ cho việc đo lường các sản phẩm trước khi đóng gói, trị giá hơn 200 triệu đồng, trong đó được nhà nước hỗ trợ hơn 90 triệu đồng. Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ thiết thực này, doanh nghiệp chúng tôi đã giảm chi phí đầu tư trang thiết bị”. Chị Đào cho biết thêm, trước đây khi chưa đầu tư máy cân định lượng, cơ sở của chị phải có 4 nhân công thực hiện việc cân đong sản phẩm bằng phương pháp thủ công, vừa tốn nhân công, vừa không đảm bảo độ chính xác. Từ khi có máy cân định lượng, việc cân đong các sản phẩm của công ty sản xuất như tinh bột nghệ, viên tinh nghệ… đảm bảo độ chính xác cao, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong các khâu sản xuất.
Đối với Cơ sở sản xuất chế biến nông sản Trần Lan, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, nhờ nguồn vốn hỗ trợ hơn 90 triệu đồng cộng với kinh phí tự có để đầu tư dây chuyền sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng mà cơ sở đã mở rộng được quy mô sản xuất. Chị Trần Thị Lan, chủ cơ sở sản xuất cho biết, thuận lợi nhất là chủ cơ sở sản xuất được lựa chọn máy móc phù hợp nhu cầu, cân đối được nguồn vốn đối ứng, số vốn được dự án hỗ trợ đã góp phần không nhỏ giúp các cơ sở sản xuất giảm chi phí đầu tư. Trong điều kiện cơ sở sản xuất còn nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ này đã động viên kịp thời giúp chị có điều kiện để mạnh dạn mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại huyện Vĩnh Linh, Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung, thị trấn Hồ Xá được hỗ trợ vốn đầu tư máy cân định lượng; Cơ sở sản xuất nước mắm Khiêm Trọng, xã Vĩnh Giang được hỗ trợ đầu tư bể chứa nguyên liệu bằng inox. Huyện Gio Linh có Cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc, xã Gio Việt được hỗ trợ đầu tư kho lạnh chứa nguyên liệu và thành phẩm. Huyện Cam Lộ có hộ kinh doanh Lê Hồng Nhạn, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ được hỗ trợ đầu tư nồi cô chân không inox; HTX Cao dược liệu Trường Sơn, xã Cam Thành được hỗ trợ đầu tư máy nhũ hóa mỹ phẩm; Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy, xã Cam Nghĩa được hỗ trợ đầu tư máy đóng gói sản phẩm dạng túi. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, tiện dụng cho người sản xuất như hệ thống rang và xay cà phê bột cho Cơ sở chế biến nông hộ Lê Ngọc Trịnh, xã Hướng Phùng; máy xát cà phê quả tươi và máy định lượng cà phê bột cho hộ sản xuất kinh doanh Nông Thị Hanh, xã Tân Hợp, máy tách màu mini cho HTX Nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa… Tổng số vốn thực hiện 13 dự án là 2,1 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 tỉ đồng.
Nhằm đảm bảo quá trình xây dựng và triển khai các dự án đúng quy định, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Quảng Trị, chính quyền các địa phương tổ chức làm việc với các chủ thể để lấy ý kiến, rà soát nhu cầu hỗ trợ, triển khai nội dung, hình thức hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ… của dự án theo quy định hiện hành của nhà nước. Các chủ thể đã thống nhất cao và cam kết thực hiện dự án, góp vốn đối ứng theo đúng quy định.
Có thể thấy, các dự án hỗ trợ ngành nghề nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP năm 2020 do Chi cục Phát triển nông thôn triển khai thực hiện trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến... Thiết bị được hỗ trợ là do chủ thể lựa chọn, đề xuất nên rất phù hợp với kế hoạch, quy trình sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Bước đầu trong 13 dự án triển khai có 9 dự án chủ thể đã phát triển 14 sản phẩm, trong đó UBND tỉnh công nhận 10 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao.
Thời gian tới rất cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát huy vai trò đồng hành với chủ thể sản xuất xây dựng thêm nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản địa phương.