Khó khăn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hướng Hóa

Thứ sáu - 11/09/2020 05:28
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, những năm qua Hướng Hóa đã có nhiều giải pháp tích cực, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên thực tế cho thấy, quá trình thực hiện nhiệm vụ này huyện gặp không ít khó khăn, thử thách.
Mô hình trồng rau sạch ở Hướng Phùng, Hướng Hóa - Ảnh: N.T​
Mô hình trồng rau sạch ở Hướng Phùng, Hướng Hóa - Ảnh: N.T​
 
Thị trấn Khe Sanh là một trong những địa phương được chọn thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở Hướng Hóa. Gia đình ông Dương Văn Hải ở Khóm 7 là hộ đầu tiên ở thị trấn ứng dụng hệ thống nước tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel để tưới cho cây hồ tiêu. Những năm đầu, mô hình này đem lại kết quả khả quan, vừa tiết kiệm nước, công chăm sóc lại đảm bảo yếu tố kỹ thuật chăm bón, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Từ mô hình điểm này, thị trấn tiếp tục nhân rộng thêm một số mô hình tương tự. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm. Vì thế, các mô hình này đều “dẫm chân tại chỗ”, không được đầu tư và nhân rộng nữa.
 
Ông Nguyễn Thanh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh cho biết: “Nhiều hộ gia đình ở thị trấn có khả năng đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, do đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định nên ảnh hưởng đến thu nhập, do đó người dân bỏ dỡ kế hoạch đầu tư. Chúng tôi rất mong cấp trên có định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao, nhất là đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm để người dân tiếp tục đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp của địa phương”. Không riêng gì thị trấn Khe Sanh mà nhiều địa phương khác cũng rất khó khăn trong đầu tư mô hình nông nghiệp có ứng dựng công nghệ cao nên số lượng mô hình này trong toàn huyện còn ít.
 
 
Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hướng Hóa được tập trung thực hiện, đặc biệt là đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đem lại hiệu quả như vùng chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu, cao su, chuối…; chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì mức khá. Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả bước đầu, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn bản và các nguồn lực đóng góp của Nhân dân. Đã từng bước gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với quy hoạch xây dựng NTM, gắn cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng NTM. Đến nay Hướng Hóa có 5 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 25%; bình quân toàn huyện đạt 11,8 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
 
Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng trong quá trình nâng cao hiệu quả của việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Hướng Hóa đó là xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoạt động của các hợp tác xã (HTX) hiện nay đều đang đạt rất thấp. Xây dựng mô hình HTX sản xuất là một trong những tiêu chí để xây dựng NTM, hiện nay đang là khó khăn lớn của huyện, đến nay toàn huyện chỉ có 8 HTX. Với lợi thế về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng rất dồi dào, hiện nay xã Hướng Phùng có số lượng HTX và tổ hợp tác nhiều nhất ở huyện, chủ yếu sản xuất, kinh doanh nông sản địa phương, gồm 4 HTX, 1 tổ hợp tác và 11 nhóm sản xuất. Tuy hiệu quả hoạt động của các HTX tương đối khá nhưng quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khó duy trì bền vững.
 
Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay đó là thiếu cơ sở hạ tầng thông tin để giới thiệu quảng bá sản phẩm; thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; trình độ quản lý và điều hành của HTX còn yếu, thiếu kinh nghiệm tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh. Vì thế, xã Hướng Phùng mong muốn được các cấp quan tâm hỗ trợ các chính sách ưu đãi về vốn đối với HTX; đầu tư thêm cơ sở hạ tầng thông tin giúp người dân có thêm điều kiện quảng bá sản phẩm”.
 
Sản xuất nông nghiệp ở Hướng Hóa hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích còn chậm. Chưa nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, chưa tạo ra được bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp, nhiều nơi có khả năng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thì lại chưa được đầu tư thỏa đáng. Chậm chuyển đổi các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn và bền vững. Thị trường tiêu thụ, giá một số mặt hàng nông sản chủ yếu của huyện như cà phê, sắn, chuối, thịt lợn hơi… không ổn định. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, giữa sản xuất với thị trường.
 
Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM bước đầu đạt kết quả khả quan nhưng tiêu chí bình quân đạt còn thấp và khoảng cách giữa các xã kinh tế mới và các xã vùng bản còn lớn. Việc lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng NTM còn hạn chế, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất của nhà nước hiệu quả chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn còn chậm. Kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
 
Ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “Để làm tốt việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Hướng Hóa hiện nay, trước hết cần tháo gỡ được hai điểm khó khăn nhất đó là quan tâm đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh rộng lớn, tập trung vào các sản phẩm trọng tâm, có chất lượng, từ đó mới dễ liên kết xuất khẩu, ổn định được đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai là tăng cường sự liên doanh, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp nhằm hỗ trợ điều kiện sản xuất, đồng thời ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ điều kiện để xây dựng HTX và tạo điều kiện cho các HTX trên địa bàn hoạt động hiệu quả”.
 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,491
  • Tháng hiện tại38,480
  • Tổng lượt truy cập9,588,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây