Cơ sở sản xuất nước mắm Khiêm Trọng, ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh đăng ký sản phẩm nước mắm nhĩ cá cơm tham gia chương trình OCOP năm 2020. Vừa qua, tại buổi tư vấn phát triển sản phẩm và xây dựng hồ sơ cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020 do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức, đại diện cơ sở đã được các chuyên gia hướng dẫn bổ sung các thông tin cần thiết để hoàn thiện hồ sơ. Anh Bùi Xuân Phương, đại diện Cơ sở sản xuất nước mắm Khiêm Trọng cho biết: “Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 3.000 - 5.000 lít nước mắm, bán ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh như Gia Lai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thành phố Hà Nội. Doanh thu mỗi tháng bình quân khoảng 70 - 80 triệu đồng. Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cách ghi nội dung trên nhãn, mác phù hợp, bổ sung các thông tin cần thiết cho sản phẩm với mong muốn khi sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP sẽ được khách hàng đón nhận rộng rãi trên thị trường hơn, nâng cao thu nhập”.
Đến thời điểm này đã có 100% xã, thị trấn đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020. Chị Nguyễn Thị Hảo, chủ Cơ sở sản xuất Loan Hảo, ở xã Hiền Thành chia sẻ: “Năm 2019 cơ sở của tôi đăng ký sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh nhưng chưa đạt tiêu chuẩn 3 sao. Qua quá trình hoàn thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm miến ngũ sắc, năm nay chúng tôi tiếp tục đăng ký tham gia chương trình. Thông qua trao đổi với các chuyên gia, tôi biết được những điểm hạn chế, cần khắc phục trong việc ghi nhãn mác, bao bì sản phẩm, các điều kiện cần thiết khác để bổ sung hoàn thiện, hy vọng năm nay sản phẩm sẽ được hội đồng bình chọn đánh giá tốt”.
Tham gia buổi tư vấn, các chủ thể sản xuất đã được giới thiệu những khái niệm cơ bản, mục tiêu, nội dung của chương trình OCOP, tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm. Được hướng dẫn bộ tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, các bước xây dựng bộ hồ sơ tham gia chương trình, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, các đơn vị cũng được hướng dẫn cách hoàn thiện các tài liệu bắt buộc như phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm, phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm, giới thiệu bộ máy, tổ chức, giấy đăng ký kinh doanh, sản phẩm mẫu. Đồng thời, xây dựng các minh chứng cần hoàn thiện trong hồ sơ dự thi OCOP của chủ thể như nguyên liệu, giá trị gia tăng, liên kết chuỗi trong sản xuất… Một số vướng mắc trong các thủ tục liên quan tới đăng ký nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, nguồn nguyên liệu sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm… cũng đã được chuyên gia trao đổi, giải đáp tại buổi tư vấn, giúp các chủ thể sản xuất nhận thức được mặt tốt, mặt hạn chế của sản phẩm để tiếp tục hoàn thiện.
Tích cực xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là một trong những giải pháp chủ yếu trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Linh khóa XVIII đề ra trong giai đoạn 2015-2020. Để thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã thành lập ban điều hành chương trình OCOP xã, thị trấn. Đối với các xã, thành viên ban điều hành chương trình OCOP đồng thời là thành viên ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. Hằng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP trên địa bàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân tích cực tham gia chương trình. Yêu cầu các địa phương phải xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương để tập trung chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm...
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh đã tập trung hướng dẫn các xã, thị trấn xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tham gia chương trình OCOP. Đồng thời có nhiệm vụ phối hợp tổ chức vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đăng ký phát triển sản phẩm OCOP. Mục tiêu của huyện Vĩnh Linh là phấn đấu cuối năm 2020, có từ 3- 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận đạt sao cấp tỉnh. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “So với 2019, năm nay có nhiều cơ sở tham gia đăng ký ý tưởng sản phẩm OCOP hơn, đồng thời các chủ thể cũng đã nỗ lực hoàn thiện nhiều chỉ tiêu trong thực hiện chương trình, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Với vai trò là cơ quan thường trực OCOP cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chu trình OCOP gồm tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, đánh giá và xếp hạng sản phẩm, xúc tiến thương mại theo quy định”.
Để triển khai thực hiện chương trình OCOP đạt chất lượng và hiệu quả, huyện Vĩnh Linh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng về chương trình OCOP, nhất là hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.