Nỗ lực thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 22/09/2020 21:58
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành Giáo dục - Đào tạo (GD & ĐT) đã tập trung các nguồn lực, giải pháp để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục trong xây dựng NTM.
Hoàn thiện cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường học - Ảnh: T.L​
Hoàn thiện cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường học - Ảnh: T.L​
  
Theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục đó là trường học và tiêu chí GD&ĐT. Để thực hiện tốt các tiêu chí trên, ngành GD&ĐT tỉnh đã tham mưu tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Từ đó, nhiều chính sách mới ban hành đã phát huy tác dụng, từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của ngành GD&ĐT. Công tác chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai tích cực với quyết tâm cao.
 
Bên cạnh đó, ngành đã tích cực phối hợp với các địa phương sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo kế hoạch của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất các cơ sở giáo dục công lập, giảm 99 đầu mối, đạt tỉ lệ 93,4% so với kế hoạch. Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp góp phần tinh gọn bộ máy, tăng quy mô trường lớp. Đồng thời, ngành và các địa phương cũng đã huy động, tiếp nhận các nguồn lực đầu tư từ trung ương và ngân sách địa phương để kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm, phòng học mượn, riêng trong năm 2019 đã triển khai xây dựng được 109 phòng học tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.
 
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm đúng mức góp phần giữ vững nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục đạt thành tích đáng khích lệ…
 
Với sự nỗ lực đó, các tiêu chí NTM do ngành GD&ĐT quản lý đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với tiêu chí trường học, tính đến ngày 30/8/2020, toàn tỉnh đã có 65 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 29 trường tiểu học &THCS, 13 trường THCS và 3 trường THPT ở vùng nông thôn được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Năm 2019, huyện Cam Lộ về đích huyện NTM nên 100% số xã trên địa bàn đều đạt tiêu chí về trường học.
 
Trong thực hiện tiêu chí về GD&ĐT cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với chỉ tiêu phổ cập giáo dục THCS, đến nay tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS và hiện đang nâng cao chất lượng phổ cập THCS tại các huyện, thị xã, thành phố. Tại tất cả các xã đạt chuẩn NTM đều đạt chuẩn phổ cập THCS. Đến nay, toàn tỉnh có 85 xã vùng nông thôn có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt từ 85% trở lên…
 
Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, các địa phương đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư cho các cơ sở giáo dục 67 hạng mục công trình với nguồn kinh phí trên 69,5 tỉ đồng, từ đó góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt công tác dạy và học tại các địa phương trong tỉnh.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc thực hiện các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng NTM thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đó là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tại nhiều trường còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiếu, thiết bị phòng học bộ môn, tỉ lệ nhà vệ sinh và nước sạch chưa đạt chuẩn còn cao.
 
Cùng với đó, tình trạng thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh. Ở cấp tiểu học, hiện toàn tỉnh có gần 15% học sinh chưa được 2 buổi/ngày, trong đó huyện miền núi Hướng Hóa học sinh học 2 buổi/ngày mới đạt tỉ lệ 55%. Tỉ lệ học sinh học bán trú còn thấp, đến nay mới chỉ có trên 23% học sinh học bán trú. Việc tổ chức bán trú cho trẻ tại một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học còn gặp khó khăn.
 
Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Thông tư số 13/2020/TTBCDĐT ngày 27/5/2020 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, qua rà soát thực tế các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ sở vật chất còn nhiều bất cập, nhất là khối phòng học tập. Để đáp ứng được chuẩn mới về cơ sở vật chất cho các xã ở địa bàn nông thôn là rất khó khăn.
 
Cùng với cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều trường học chưa đáp ứng, không đồng bộ để triển khai dạy học qua internet. Đa số học sinh và giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và một bộ phận học sinh, giáo viên ở vùng thuận lợi còn thiếu thiết bị dạy học qua mạng. Các công cụ dịch vụ internet tính bảo mật chưa tốt đã ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng dạy học qua mạng.
 
Bên cạnh đó, COVID-19 đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các hoạt động của ngành GD&ĐT. Việc học sinh nghỉ học ở trường dài ngày để chống dịch đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình dạy học và chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh các lớp đầu cấp tiểu học.
 
Ngoài ra, việc sáp nhập trường lớp mặc dù đã thực hiện đúng tiến độ, đạt yêu cầu nhưng vẫn tồn tại một số bất cập, đó là một số trường sau khi sáp nhập có nhiều điểm trường và khoảng cách giữa các điểm trường khá xa, gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục, làm ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ trẻ huy động đến nhà trẻ trong toàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt 34,1%; lớp học ghép 2,3 độ tuổi ở cấp học mầm non còn nhiều, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (toàn tỉnh hiện còn 275 lớp ghép, riêng các xã miền núi có 143 lớp).
 
Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM thời gian qua của tỉnh với 51 xã đạt 19 tiêu chí, sau khi về đích NTM, nhiều xã đang tiếp tục thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Trong thành tích chung đó, ngành GD&ĐT tỉnh đã góp phần không nhỏ để hoàn thiện thêm bức tranh NTM trên địa bàn. Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, ngành GD&ĐT mong muốn cấp trên tiếp tục hỗ trợ các chương trình, dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hơn.
 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,378
  • Tháng hiện tại38,571
  • Tổng lượt truy cập9,588,156
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây