Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong nói với chúng tôi rằng: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, trong 5 năm qua, xã tiếp tục triển khai các biện pháp duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, kêu gọi sự đóng gốp của con em xa quê hương và của doanh nghiệp cộng với tranh thủ các nguồn lực khác, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp khai thác lợi thế của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhân dân đã hưởng ứng tham gia, xuất hiện ngày càng nhiều mô làm ăn có hiệu quả. Nhờ vậy, thu nhập bình quân trên đầu người đến cuối năm 2019 là 43,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,27% giảm 12,13 % so với khi phát động xây dựng nông thôn mới năm 2011. Năm 2020, dự ước thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự ước đạt 52 triệu đồng, lĩnh vực văn hóa xã hội có sự chuyển biến rõ nét, 100% làng và 3 đơn vị được công nhận làng, đơn vị văn hóa, chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên đáng kể, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hiện nay xã đang tập trung chỉ đạo các thôn xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới đưa Triệu Phước sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ở xã Triệu Thượng, một vùng quê bán sơn địa, khi triển khai xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn, nhất là kinh tế phát triển còn chậm. Trước tình hình đó, xã chỉ đạo sớm thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang, tích tụ ruộng đất, triển khai sản xuất cánh đồng lớn cũng như áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất lúa và hoa màu. Đặc biệt, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai vùng gò đồi, trồng rừng, trồng cao su tiểu điền, cây ăn quả kết hợp phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,9 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6,27%. Ông Hồ Ngọc Ân, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thượng cho biết: Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, xã đã tranh thủ các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí, nhất là chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tham gia bảo vệ môi trường. Do đó năm 2019 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2010, khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Triệu Phong xã cao nhất mới đạt 7 tiêu chí, đặc biệt có xã mới đạt 2 tiêu chí. Thấy rõ điều này, trên cơ sở khảo sát thực tế, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. UBND các xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã xây dựng đề án cụ thể sát đúng với đặc điểm, tình hình của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm những tiêu chí nào dễ thì làm trước, khó làm sau. Với nhiều cách làm sáng tạo, từ năm 2011 đến 2019, toàn huyện đã huy động nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn gần 2.000 tỷ đồng, làm cho bộ mặt các làng quê thay đổi. Đặc biệt, huyện ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về khai thác tiềm năng vùng gò đồi, vùng cát, vùng biển và mấy năm trở lại đây triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nên đã làm cho kinh tế khu vực nông thôn phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo ước còn 3,61%, hộ cận nghèo ước còn 3,95%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công.
Cuối năm 2020, huyện Triệu Phong dự kiến có 12/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 70,59% và các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên. Ông Trần Xuân Anh, Bí thư huyện ủy Triệu Phong nhấn mạnh: Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên để đạt huyện chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 và có 2 đến 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách tích cực hơn nữa bởi ngân sách của tỉnh, của huyện còn hạn chế và nguồn vốn phân bổ cho xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, có quy mô, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đời sống của một bộ phận dân cư còn thấp, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập.
Do đó, trong 5 năm tới, cùng với chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, có kế hoạch phát động và xây dựng thôn, khu dân cư kiểu mẫu, huyện Triệu Phong sẽ có sự ưu tiên cho những xã còn nhiều khó khăn, số tiêu chí đạt còn ít và đề nghị những xã này cần phát huy nội lực là chính. Mặt khác, củng cố, kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và làm cho chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn.