Huyện Gio Linh là địa phương có số lượng người tham gia xuất khẩu lao động đông và có hiệu quả nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 800 lao động làm việc ở nước ngoài, tập trung ở các xã vùng đông như: Gio Hải, Gio Thành, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt… Ước tính hàng năm lượng kiều hối do xuất khẩu lao động gửi về cho các gia đình trên địa bàn huyện khoảng 22 tỷ đồng, gần bằng thu ngân sách qua thuế trong một năm của địa phương này. Nhờ có người đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống vươn lên thoát khỏi hộ nghèo. Cuộc sống nông hộ ổn định cũng chính là điều kiện cơ bản để vùng đông Gio Linh trước đây vốn là địa bàn khó khăn nay đã cơ bản hoàn thành chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như: tăng thu nhập, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm bợ dột nát... Rõ ràng với một huyện mà nguồn thu nhập chủ yếu của người dân dựa sản xuất nông nghiệp như Gio Linh thì việc có người đi làm việc ở nước ngoài cũng là cơ hội để người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, đủ khả năng và các điều kiện khác tạo lập một hướng đi riêng cho bản thân sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương đúng hướng.
Không riêng huyện Gio Linh mà bất kỳ địa phương nào làm tốt công tác xuất khẩu lao động đều có bộ mặt làng quê khởi sắc, phát triển hơn nhiều vùng quê thuần nông khác. Xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong) là một điển hình. Toàn xã hiện còn 12 người tham gia xuất khẩu lao động ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Malaixia nhưng lao động từng làm việc ở nước ngoài những năm trước hết hạn hợp đồng trở về quê thì có đến 60 – 70 người. Hầu hết những gia đình có người từng đi xuất khẩu lao động đến nay đều có cuộc sống tốt hơn so với trước khi chưa xuất khẩu lao động.
Điển hình như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Thường và chị Trần Thị Thủy ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn. Nhờ đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc mà anh Thường nên duyên vợ chồng với chị Thủy vốn quê ở Quế Sơn (Quảng Nam). Sau 6 năm làm việc ở Hàn Quốc, trở về nước năm 2012 vốn liếng mà anh chị dành dụm khi làm việc ở nước ngoài đã đầu tư xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang ở thôn Đồng Bào. Ngoài ra anh chị còn tích lũy được một khoản vốn xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp; mở xưởng làm hương tạo nguồn thu ổn định 100 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi trên địa bàn xã Triệu Sơn.
Chị Thủy cho biết: “Quê của tôi vốn là vùng trồng quế và trầm. Nghề làm hương trầm là nghề truyền thống của gia đình tôi. Vì vậy, trước khi hết hạn xuất khẩu lao động về nước, tôi đã liên lạc với hai gia đình nội ngoại bàn bạc để ba mẹ tôi ở Quảng Nam ra chuyển giao kỹ thuật làm hương trầm cho ba mẹ chồng, đồng thời vợ chồng tôi chuyển vốn về cho gia đình chồng xây dựng cơ sở làm hương trầm ở thôn Đồng Bào. Vì vậy, về nước là vợ chồng tôi có công việc để bắt tay vào làm ngay. Trung bình mỗi năm cơ sở của tôi sản xuất được khoảng 20 tấn hương thành phẩm, giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động nhàn rỗi tùy vào từng thời điểm”.
Nhờ nguồn nguyên liệu tự nhiên chủ yếu là trầm và quế nhập từ Quảng Nam chứ không dùng hóa chất nên mùi thơm của hương do gia đình chị Thủy làm ra đặc trưng hơn các loại hương trầm khác, được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lựa chọn sử dụng ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Phó Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện Triệu Phong cho biết, nhằm đẩy mạnh phong trào xuất khẩu lao động, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh, huyện về hoạt động xuất khẩu lao động; qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân được UBND tỉnh cho phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn; phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhằm tránh thiệt hại, rủi ro cho người dân khi tham gia xuất khẩu lao động. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng xuất khẩu lao động (đã được UBND tỉnh cấp phép) tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các điều kiện, thủ tục hồ sơ cũng như môi trường làm việc và thu nhập thực tế của người lao động tại các thị trường lao động ngoài nước...
Có thể nói, xuất khẩu lao động là cơ hội để người lao động có thu nhập cao, đồng thời được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, rèn luyện ý thức, ý chí và tác phong làm việc công nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và đào tạo nghề hiệu quả ở nông thôn. Thu nhập người lao động tăng, kinh tế hộ gia đình phát triển cũng là nền móng vững chắc để các địa phương phát huy sức mạnh nội lực cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.