Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, năm 2018 là năm thứ 5 ngành Nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhờ nỗ lực tập trung chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đề ra các giải pháp cụ thể, sát đúng với thực tiễn sản xuất, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương đã đồng hành với người nông dân vượt qua khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh, tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 5.686 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp đạt 5,56%, vượt gần gấp hai lần so với kế hoạch đề ra là 3,5%, là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, cả hai vụ sản xuất lúa đều đạt năng suất, sản lượng và giá trị cao nhất từ trước đến nay, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 56,2 tạ/ha, cao hơn 6,2 tạ/ha so với năm 2017; tổng sản lượng lương thực có hạt cao nhất từ trước đến nay đạt 28,98 vạn tấn, vượt 11,47% kế hoạch năm. Tiếp tục tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng chất lượng và giá trị, đến nay đã có hơn 80% diện tích lúa chất lượng cao; hơn 7.000 ha cánh đồng lớn sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng 3.270 ha so với năm 2017; hơn 500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; hơn 5.000 hộ gia đình canh tác theo phương thức tự nhiên, thân thiện với môi trường. Với cây công nghiệp dài ngày, toàn tỉnh hiện có hơn 5.106,3 ha cây cà phê, trong đó có 4.636,8 ha cà phê cho thu hoạch, năng suất đạt 13,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6.416,9 tấn; trong năm đã trồng mới và tái canh được 150 ha. Diện tích cây cao su đạt 19.512 ha, trong đó có 11769,7 ha cho khai thác, sản lượng đạt 15.404,9 tấn. Diện tích hồ tiêu đạt 2.533 ha, trong đó có 2.033,6 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.465,2 tấn.
Năm 2018 cũng là năm tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với việc hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hợp tác thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa trên diện tích 146,01 ha; Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn FLC, Tập đoàn ISE food… cũng cam kết đồng hành với nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Ong biển với diện tích gần 300 ha tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Với năng suất lúa tươi từ 50 - 55 tạ/ha, giá thu mua lúa tươi tại ruộng đạt 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư người nông dân có lãi hơn sản xuất truyền thống từ 8 - 18 triệu đồng/ha. Đặc biệt, thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất đã giúp người nông dân nâng cao nhận thức về canh tác theo hướng hữu cơ, giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Đây có thể xem là mô hình liên kết 5 nhà đầu tiên tại Quảng Trị với sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà phân phối. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau củ quả theo phương pháp thủy canh, nhà lưới, nhà màng tiếp tục mở rộng, tuy quy mô chưa lớn nhưng có thể khẳng định đây là hướng đi đúng trong việc khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, được công bố chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như gạo hữu cơ và các sản phẩm Organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân, tiêu Cùa… Đặc biệt, sự kiện lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị được xuất khẩu qua Mỹ và Pháp, mở hướng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường thế giới.
Chăn nuôi được chú trọng phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Một số mô hình chăn nuôi liên kết chuỗi giá trị được chứng nhận VietGAP đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 40 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm; trong đó có 28 mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi, gồm 5 HTX chăn nuôi, trong đó có 1 HTX đang triển khai dự án chăn nuôi lợn theo chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến sản phẩm, 23 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi, 2 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 4 trang trại đang trong giai đoạn hoàn thiện kế hoạch, quy trình, thủ tục để được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAP trong nuôi lợn. Các liên kết trong sản xuất chăn nuôi đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, tăng năng lực cạnh tanh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được số lượng sản phẩm lớn và chất lượng cho thị trường.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, để giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng ở mức 50,1%, ngành Nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các chủ rừng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, quản lý và bảo vệ tốt 143.855 ha rừng tự nhiên và 110.538 ha rừng trồng; trồng mới 7.240 ha rừng tập trung. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp thông qua việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống phục vụ trồng rừng; duy trì và mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ FSC; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Trong lĩnh vực thủy sản, với các chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, nhiều tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới, nâng cấp, vươn khơi khai thác thủy sản góp phần nâng cao chất lượng đội tàu của tỉnh, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Năm 2018, đã đóng mới, mua ngoài tỉnh và nâng cấp 22 tàu cá trên 90 CV, nâng tổng số tàu thuyền toàn tỉnh lên 2.317 chiếc, trong đó có 229 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 24.192 tấn. Song song với đó, sau khi khắc phục sự cố môi trường biển, người dân đã cải tạo hệ thống ao hồ, chọn giống có chất lượng, khôi phục sản xuất. Đặc biệt, các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ Biofloc được chú trọng đầu tư phát triển. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.343,5 ha, sản lượng thu hoạch đạt 8.395 tấn, bằng 114,2% so với cùng kỳ 2017.
“Phát huy những kết quả đạt được trong các mô hình liên kết tiêu biểu, ngành Nông nghiệp tiếp tục định hướng để phát triển một nền nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và hữu cơ quy mô lớn, trước hết tập trung xây dựng, phát triển và mở rộng diện tích sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị. Đây được xem là giải pháp đột phá để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 5.000 ha - 10.000 ha. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên các đối tượng cây trồng như: Hồ tiêu mang chỉ dẫn địa lý Quảng Trị (Vĩnh Linh, Cam Lộ); cây ăn quả đặc sản (Cam K4 ở Hải Phú, Hải Lăng); bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ ở Cam Lộ, Vĩnh Linh); thử nghiệm phục hồi diện tích cà phê Arabica già cỗi bằng công nghệ Obi - Ong biển…”, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Lê An
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn