Niềm vui đón xuân về trên những miền quê nông thôn mới

Chủ nhật - 20/01/2019 21:45
Theo đoàn thẩm định của UBND tỉnh về thẩm định kết quả thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018. Đi qua nhiều làng quê, nhiều con đường chúng tôi có thể chứng kiến sự đổi thay về cả diện mạo, cơ sở hạ tầng nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Một tuyến đường giao thông của xã Tân Thành
Một tuyến đường giao thông của xã Tân Thành
     Năm 2018, có 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mớ. Đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, hiện đang hoàn thành hồ sơ thủ tục đề nghị thẩm định, thẩm tra công nhận đạt chuẩn NTM.
     Cam Tuyền, xã về đích cuối cùng và cũng là xã khó khăn nhất của huyện Cam Lộ. Đối với Cam Tuyền, tiêu chí khó khăn nhất là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, bởi xã có 1 bản Chùa chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm thực hiện công tác tuyên truyền vận động, kết hợp với bắt tay chỉ việc, vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể xã, thôn nên đã thay đổi được nhận thức của bà con, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng con nuôi, phát triển các mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, thực sự đã đem lại thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân như: mô hình trồng dứa liên kết, phát triển trồng rừng, trồng cây cao su. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 30 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 4,94%; không còn nhà tạm bợ, dột nát; nước sạch đã về tận các hộ gia đình trong bản. Ông Hoàng Liên Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết “chúng tôi đã rất tích cực trong việc tuyên truyền vận động người dân, thực sự khó khăn nhưng chúng tôi đã làm được. Hiện nay, đời sống của người dân đã cải thiện, thu nhập của bà con được nâng cao. Điều đáng mừng là đã cải cách được ý thức của người dân. Đến thời điểm này, xã chúng tôi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Cam Lộ đạt chuẩn NTM trước năm 2020”.
     Mục tiêu cốt lõi và xuyên suốt trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, các địa phương đăng ký đạt chuẩn hằng năm đặc biệt quan tâm đến việc tìm các giải pháp để tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Là một xã vùng gò đồi, miền núi của huyện Gio Linh, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 1000ha. Xã Gio Bình đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa, có liên kết nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Ông Tạ Quang Lộ - Chủ tịch UBND xã Gio Bình cho biết “Bên cạnh tập trung đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả ở địa phương như cây cao su, trồng sắn, dưa hấu…Hiện nay, xã Gio Bình đang quan tâm đầu tư phát triển các mô hình mới như mô hình cam ở Thôn Xuân Mai với diện tích 4,5 ha, mô hình Ổi Lê Đài Loan, Mít thái, Bơ ghép ở thôn Bình Hải với diện tích 5,7 ha; mô hình trồng cây Cà gai leo của ở thôn Tiến Kim với diện tích 3,5ha; cây dông riềng với diện tích 1 ha, ngoài ra còn có các loại cây trồng khác  như Nghệ vàng, Ba Kích, Đinh Lăng. Các mô hình này được thực hiện trên những diện tích đất được chuyển đổi từ đất trồng cây cao su bị gãy đổ và đất trồng lúa bị thiếu nước vào vụ hè – thu, với tổng diện tích chuyển đổi toàn xã là 27 ha. Ngoài việc phát triển các mô hình trồng trọt, xã cũng chỉ đạo phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản như: nuôi cá chình lồng, tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá trắng các loại theo từng vụ với diện tích 5,52 ha. Toàn xã có 18 trang trại, chủ yếu phát triển kết hợp trồng cao su, hồ tiêu, chăn nuôi cá, gà, lợn …Xã đang tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các tổ hợp tác hiện có, đồng thời thành lập mới 01 HTX nhằm giúp người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm…  ”. Với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa bền vững gắn tái cơ cấy nông nghiệp, đến nay đời sống của người dân Gio Bình ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 2,8%. Những kết quả này, đã góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, đến nay xã Gio Bình đã cơ bản hoàn thiện 19/19 tiêu chí.
     Đến với xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, xã có 6 thôn và 2 bản. Theo Ông Hoàng Văn Đức - cán bộ phụ trách NTM xã cho biết “ Đối với xã Tân Thành, khi xây dựng NTM khó khăn nhất là thực hiện ở 2 bản Hà, Lệt. Ngày trước do trình độ dân trí của người dân ở các bản còn hạn chế, phần lớn người dân ở đây vẫn sinh nhiều con, đau ốm không chịu đến trạm y tế, trẻ em không đến lớp học. Từ khi xây dựng NTM, nhờ tuyên truyền vận động nên họ đã ý thức được việc cho con đến trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khõe tốt hơn. Hiện nay, đường giao thông vào các bản đã được đổ bê tông đi lại rất thuận lợi, nước sinh hoạt được dẫn từ núi về tận bản. Bản lại có nhà sinh hoạt cộng đồng, có điểm trường để dân bản tổ chức họp hành, lễ hội, con em được đi học. Dân bản giờ đã biết xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập như trồng sắn, chổi đót, nuôi dê, bò”. Trong xây dựng NTM xã Tân Thành đã huy động được 71, 46 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 2,5 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, hiện có 100% các trục đường xã, thôn, ngõ xóm đều được kiên cố hóa đạt chuẩn. Các trường học đều được đầu tư xây dựng đạt chuẩn đảm bảo nhu cầu học tập của con em địa phương. Việc thành lập HTX ở các xã miền núi thật sự khó khăn nhưng hiện nay xã Tân Thành đã thành lập được HTX và đã có liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,04 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 4,99%.
     Có được những kết quả này phải kể đến sự quyết tâm, nỗ lực thực sự của cả Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của đông đảo người dân các địa phương. Tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương có một cách làm riêng nhưng kết quả cuối cùng và chung nhất mà các làng quê đạt được chính là sự văn minh, no ấm và bình yên đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, trên từng thôn, xóm khi mùa xuân về. Người dân các địa phương đang thực sự hài lòng với những kết quả mà Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đem lại. Theo kết quả lấy phiếu về sự hài lòng của người dân tại các địa phương xã Cam Tuyền đạt 91,3%, xã Gio Bình đạt 98,7%, xã Tân Thành đạt 97,5%.
     Những ngày này, không khí háo hức mừng đảng mừng xuân đang về trên khắp các làng quê. Được chứng kiến nụ cười phấn khởi đón chờ năm mới của các cụ già, em nhỏ chúng tôi cảm thấy phấn chấn, vui mừng về những thành quả mà NTM đã đem lại. Năm mới, với nhiều hy vọng mới, hy vọng rằng các địa phương sẽ sớm được công nhận đạt chuẩn NTM và phát huy những thành quả đạt được tiếp tục phấn đấu duy trì, nâng cao các tiêu chí và tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu trong thời gian tiếp theo.
 

Tác giả bài viết: Lê Oanh - Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập489
  • Hôm nay1,784
  • Tháng hiện tại32,333
  • Tổng lượt truy cập9,581,918
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây