Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với quan điểm chỉ đạo dựa vào dân để tìm giải pháp triển khai thực hiện, Đảng bộ và chính quyền huyện Cam Lộ đã tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình xây dựng NTM. Đồng thời triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, thực hiện chủ trương xây dựng NTM gắn với xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về mọi mặt (bước vào xây dựng NTM, Cam Lộ chỉ đạt 43 tiêu chí với 70 chỉ tiêu đạt được, bình quân đạt 5,38 tiêu chí/xã), trong giai đoạn 2011-2015, bằng các giải pháp đồng bộ, huyện đã tích cực huy động các nguồn lực với trên 1.400 tỷ đồng (trong đó người dân đóng góp trên 226 tỷ đồng, chiếm trên 15%) để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Đến cuối năm 2015, toàn huyện Cam Lộ đã đạt 122/152 tiêu chí, bình quân đạt 15,25 tiêu chí/xã, có 1 xã đạt chuẩn NTM.
Bước vào giai đoạn 2016-2020, huyện Cam Lộ đề ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, theo đó trong năm 2016 phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn NTM; năm 2017 có 3 xã đạt chuẩn và đến cuối năm 2018, xã cuối cùng của huyện sẽ đạt chuẩn NTM. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM, thực hiện chỉnh trang nông thôn, phát động phong trào xây dựng vườn, đường, khu dân cư kiểu mẫu. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực, chú trọng nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tăng chất lượng cuộc sống cho người dân bằng việc xây dựng và triển khai chương trình, đề án cụ thể, qua đó nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, chương trình đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, một số xã đã xác định được cách làm, lộ trình phù hợp với địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã huy động nhân lực, vật lực từ cộng đồng dân cư để đầu tư sản xuất như thực hiện kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng nhằm từng bước đạt các tiêu chí NTM. Trong giai đoạn từ năm 2016-2018, người dân đóng góp trên 7,6 tỷ đồng (chiếm 6,1% so với tổng số vốn được huy động) để xây dựng NTM. Cùng với đó, người dân cũng tích cực tham gia các mô hình phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng dứa nguyên liệu, trồng cây dược liệu, sản xuất tiêu sạch, xây dựng thương hiệu gà Cùa... Phong trào văn hóa đi vào chiều sâu và gắn với phong trào xây dựng NTM; y tế, giáo dục được quan tâm đúng mức. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, từ đó tạo việc làm và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 13,6% (năm 2011) đến nay giảm xuống còn 5,42%; thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn từ 12 triệu đồng/người/năm (năm 2012) nay tăng lên 28,5 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ đó, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Cam Lộ đã lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, lấy tiêu chí nâng cao thu nhập làm chủ đạo, từ đó phát huy vai trò chủ động của người dân trong xây dựng NTM. Cùng với đó, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết, có quy chế làm việc, có sự phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, ngành và người thực hiện. Xác định rõ việc nào của dân, việc nào nhà nước hỗ trợ, việc nào nhà nước làm, công tác phối hợp, điều hành sát với thực tế, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức, triển khai thực hiện. Huyện cũng đã xây dựng các giải pháp tăng cường liên kết và tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân... Bên cạnh đó, vai trò của trưởng bản, người cao tuổi, người đứng đầu các dòng họ, dòng tộc, người có uy tín cũng được phát huy tốt, từ đó làm gương trong việc vận động người dân thực hiện phong trào chung tay xây dựng NTM. Đồng thời, địa phương cũng có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM thể hiện ở chỗ người dân chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện việc xây dựng NTM ở địa phương mình. Vấn đề quan trọng là tìm những cách làm hay nhằm khơi dậy các nguồn lực trong người dân. Để làm được điều đó, đòi hỏi các cấp chính quyền ở địa phương phải năng động, sáng tạo trong cách làm, cách thức thực hiện phù hợp. Với những cách làm hiệu quả của huyện Cam Lộ, tin rằng địa phương sẽ sớm hoàn thành mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện NTM trước năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 44 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn dưới 5%.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn