Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tuyến y tế cơ sở

Thứ hai - 26/02/2018 02:31
Xác định y tế tuyến cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình y tế quốc gia và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị và nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ
Trạm y tế xã Trung Sơn, Gio Linh
Trạm y tế xã Trung Sơn, Gio Linh
     Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 135/141 xã đạt tiêu chí quốc gia về  y tế, chiếm tỷ lệ 85,7% góp phần không nhỏ vào việc giải quyết tình trạng tuyến bệnh viện trên luôn quá tải. Bác sĩ Hoàng Thị Huế, Trưởng trạm Y tế xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng cho biết: Để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, năm 2013 xã đã tranh thủ lồng ghép nhiều nguồn vốn, đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng mới Trạm y tế với 22 phòng chức năng, mua sắm trang bị thêm 1 số thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy ghế răng, máy xét nghiệm, máy súc rửa dạ dày. Bên cạnh đó đội ngũ y, bác sĩ ở đây được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệm vụ và luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong công việc nên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ làm tốt việc chăm sóc, thăm khám, cấp phát thuốc điều trị, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, cán bộ, nhân viên y, bác sĩ của Trạm còn về các thôn tổ chức các đợt truyền thông, nâng cao nhận thức cho mọi người dân, không để các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
     Không chỉ ở các xã vùng đồng bằng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở ở vùng biển, đặc biệt vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Lê Quang Hưng, Trạm trưởng trạm Y tế xã Đakrông, huyện Đakrông không giấu được niềm vui, nói với chúng tôi rằng: Lâu nay việc khám chữa bệnh cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, chỉ 1 ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, dột nát, có 2 giường, trang thiết bị thiếu thốn. Năm 2015, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư gần 5 tỷ đồng xây mới Trạm Y tế và đưa vào sử dụng đầu năm 2016 với một tòa nhà 2 tầng khang trang, gồm 10 đến 12 giường bệnh. Cơ sở vật chất đầy đủ, số lượng cán bộ y tế cũng tăng từ 5 lên 9 người, trong đó đã có 2 bác sĩ, do đó không chỉ khám, phát thuốc như trước đây mà hiện nay còn nhận điều trị, người dân đến Trạm ngày càng đông, nếu như trước đây 1 tháng chỉ có 50 đến 60 lượt bệnh nhân nay tăng lên 180 đến 200 lượt. Bên cạnh đó, Trạm còn đảm nhận và thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Chị Hồ Thị Hiên đang mang thai khi đến khám ở Trạm cho hay: Đến đây thấy cơ sở mới rộng rãi, các y, bác sĩ làm việc nhiệt tỉnh, tiếp đón chu đáo, mình rất yên tâm, tháng nào mình cũng đến để được thăm khám, chăm sóc thai sản, uống viên sắt và tiêm phòng uốn ván cũng như được tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền thai, mai mốt sinh, mình đến Trạm, không ở nhà như trước đây nữa.
     Tỉnh Quảng Trị có hơn 75% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nên y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, đây là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ và giảm thấp nhất chi phí cho người dân cũng như giảm thiểu tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Thấy rõ điều này, những năm qua, ngành Y tế Quảng Trị đã tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và thực hiện xã hội hóa, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị cho tuyến cơ sở, do đó Trạm y tế 141 xã, phường cơ bản được kiên cố hóa, cao tầng hóa, đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ, nhân viên, đến nay 88% trạm y tế xã, phường, thị trấn có Bác sĩ, có nữ hộ sinh và 1115 nhân viên y tế hoạt động tại 100% thôn bản. Bác sĩ Trần văn Thành, Giám đốc  Sở Y tế Quảng Trị cho biết: Mạng lưới y tế tuyến cơ sở không chỉ thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế mà chất lượng các dịch vụ cũng từng bước được nâng cao, nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được triển khai áp dụng. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên như người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi luôn được chú trọng, nhiều nơi còn thực hiện chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi và người khuyết tật, sơ cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp bệnh nặng, bệnh cấp cứu và tai nạn. Đặc biệt, các Trạm y tế đã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, lập kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là khám, chữa bệnh đòi hỏi ở mức cao hơn, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính có những thay đổi, thì hệ thống y tế cơ sở cũng đã bộc lộ những bất cập. Trước kia, do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều người dân chỉ có thể đến trạm y tế xã để khám và điều trị; còn hiện nay, phần lớn muốn lên cơ sở y tế tuyến cao hơn để khám, điều trị. Một số nơi không còn giường bệnh lưu để điều trị người bệnh do thiếu cơ sở vật chất, nhà cửa, trang thiết bị và kể cả trình độ cán bộ không đáp ứng kịp với nhu cầu chẩn đoán và điều trị người bệnh. Mặt khác, ngành y tế đang từng bước tiến tới quản lý sức khỏe toàn dân, chăm sóc sức khỏe một cách liên tục và suốt đời thì cách tiếp cận theo kiểu chỉ khám, phát hiện và điều trị các ca bệnh riêng rẽ sẽ không còn phù hợp. Chính vì vậy, để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, ngành tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, nhất là ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y, bác sĩ. Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Mục tiêu đề ra là đổi mới cơ chế hoạt động của tuyến y tế cơ sở theo hướng người dân được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết, do đó Trạm y tế xã, phường, thị trấn không phải chỉ tập trung và ưu tiên cho khám, điều trị các ca bệnh riêng lẻ, hay giải quyết các ổ dịch khi có dịch xảy ra như trước đây, mà còn triển khai các nhiệm vụ phòng bệnh ngay từ đầu, người dân được tư vấn và thực hiện phòng bệnh tốt nhất, nếu có bệnh thì được phát hiện sớm nhất và đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Để đạt được mục tiêu trên, bản thân ngành y tế không thể đủ khả năng mà cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và cả mỗi người dân.
 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,369
  • Tổng lượt truy cập9,580,954
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây