Hội nghị phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong HTX nông nghiệp và tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Chủ nhật - 21/01/2018 22:22
Sáng 17/1/2017, tại huyện Sa Pa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp
Báo cáo tại hội nghị, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến hết tháng 12/2017, toàn quốc có 11.668 Hợp tác xã nông nghiệp. Các đơn vị này chủ yếu hoạt động tổng hợp (chiếm 60%) với hơn 4,1 triệu thành viên. Hiện nay cả nước có tổng số 193 Hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, có 155 HTX trồng trọt, lâm nghiệp (chiếm 85,49%), 18 HTX chăn nuôi (chiếm 9,33%), 20 HTX thủy sản (5,18%). Lĩnh vực sản xuất phổ biến nhất của các HTX này là rau, trái cây, hoa, chăn nuôi gà, lợn và thủy sản. Sau khi ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nhiều HTX đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Tại Quảng Trị, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất mới thực sự bắt đầu được triển khai trong năm 2017 với một số mô hình như: mô hình trồng thủy canh rau xà lách và dưa lưới của Hợp tác xã Nguyên Khang ở huyện Hải Lăng với diện tích 2.000m2 trong nhà kính, mô hình trồng măng tây của Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị ở xã Vĩnh Tú với 12 ha; mô hình trồng dưa lưới, dưa hấu và rau tại xã Vĩnh Tú và Vĩnh Trung của huyện Vĩnh Linh. Tỉnh Quảng Trị cũng đang hợp tác với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản để triển khai Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất với hệ thống nhà màng sản xuất dưa lưới với quy mô 500m2 và tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo. Hiện có 03 Hợp tác xã trên địa bàn Quảng Trị đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là HTX Trường Sơn với mô hình trồng dưa lưới, HTX Nguyên Khang Garden với công nghệ Canh tác thủy canh hồi lưu và kỹ thuật canh tác bán thủy canh trên giá thể hữu cơ, HTX Thành Công với mô hình trồng rau thủy canh, hệ thống làm mát tự động trong chăn nuôi lợn. Qua triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn, cho thấy canh tác trong nhà kính tăng năng suất so với phương pháp canh tác truyền thống từ 30-50%. Với những kết quả bước đầu đã đạt được, năng suất và chất lượng sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt trên hệ thống chuỗi siêu thị để tiêu thụ. Bên cạnh những hiệu quả ban đầu, tình trạng chung của việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất là gặp nhiều khó khăn. Ông Ma Quang Trung thừa nhận, hiện nay các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của HTX còn nhỏ lẻ, phân tán và hiệu ứng nhân rộng chưa cao. Đặc biệt, việc liên kết chuyển giao công nghệ cao giữa các HTX và doanh nghiệp còn yếu. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản công nghệ cao còn mờ nhạt. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đối với HTX, hiện nay Bộ NN-PTNT xác định có 3 vấn đề cần phải tập trung. Một là tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực quản trị của các HTX. Thứ hai là phải hướng dẫn HTX ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm. Đồng thời, triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp. Từ đó tạo ra chuỗi sản xuất có giá trị cao lại giảm chi phí sản xuất. "Hiện nay, mới chỉ có 193 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 1%. Do vậy, Bộ NN-PTNT mong muốn, trong thời gian tới đẩy mạnh để nhiều HTX có thể ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất, giá trị của sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của xã hội và cũng là đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh. Chiều cùng ngày, tại Sa Pa, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2018. Trong năm qua, ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trong nhiều lĩnh vực như kinh tế hợp tác, giảm nghèo, an sinh xã hội hay quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra chuyên ngành, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng được triển khai thực hiện bài bản, có hiệu quả. Năm 2018, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”. Với các mục tiêu: Giải thể 769 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động; duy trì củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 3.600 HTX. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của 5.400 HTX hoạt động trung bình và yếu, thành lập mới 6.000 HTX. Chính phủ cũng đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng đề án về HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua hội nghị này, cũng là một cơ hội để Bộ NN-PTNT lắng nghe, lấy ý kiến góp ý của các HTX, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để hoàn thiện đề án.
Tác giả bài viết: Trần Hoa Lệ, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị