Cần tiếp tục chú trọng tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 23/01/2018 22:15
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này có thể khẵng định, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khá hoàn thiện; bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Có được những kết quả đó phải kể đến vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền; thông qua công tác tuyên truyền góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới trong các năm qua đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia.
Trong các năm qua, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành trong tỉnh xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, luôn được đổi mới, hướng về cơ sở, phù hợp với người dân. Đã đạo được sự đồng thuận của đông đảo cộng đồng nhân dân, thể hiện qua sự đồng tình, ủng hộ, chủ động, tự giác tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tài sản, tiền của để xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được xem là kênh tuyên truyền chính thống và đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài các chuyên trang, chuyên mục, bản tin trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và các cơ quan Báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Xây dựng, Báo Nông thôn ngày nay) được chuyển tải chính xác, kịp thời; trong các năm gần đây các hoạt động tuyên truyền được đổi mới bằng các hội thi, hội diễn, đối thoại sinh động, thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân như các chương trình truyền hình “Vui cùng nhà nông”, “Nhà nông đua tài”, Hội thi Nhà báo viết về nông thôn mới” của Hội nhà báo tỉnh đã góp phần truyền tải các chủ trương cơ chế chính sách; những phản ánh về kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới; mô hình hay, cách làm sáng tạo đến với người dân. Bên cạnh đó Trang thông tin điện tử nông thôn mới Quảng Trị cũng là một kênh thông tin tuyên truyền, với rất nhiều thông tin hữu ích, với hằng trăm lượt truy cập/ngày. Các phong trào thi đua hưởng ứng phong trào ‘ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” được Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, thực hiện sôi nỗi ở các địa phương. Thông qua các phong trào thi đua góp phần tuyên truyền và vận động đông đảo quần chúng nhân dân và hội viên tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nỗi bật đó là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh” của Mặt trận. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với phong trào “5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân tỉnh với phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, Đoàn thanh niên với các phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng đã biên soạn, xuất bản nhiều tài liệu tuyên truyền; công tác tuyên truyền cổ động trực quan về xây dựng nông thôn mới cũng được chú trọng, tạo không khí thi đua phấn khởi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới như pano, băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát tờ rơi, sổ tay, kỹ yếu, tài liệu sinh hoạt chi bộ tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn 3.000 cuốn “Tài liệu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới” (tháng 12/2013) và 1.500 cuốn “Nông thôn mới Quảng Trị - Kết quả 5 năm phấn đấu” (tháng 10/2015)... phát hành đến tận các chi bộ cơ sở. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phát hành hàng chục ngàn tờ rơi, tờ gấp; gần 10.000 cuốn sổ tay, 3.000 bộ tài liệu và 170 đĩa tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới phát đến tận các thôn, bản. Ngoài các hình thức tuyên truyền trên, hình thức tuyên truyền “miệng” cũng đã tạo hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị, diễn đàn, hội diễn, lồng ghép trong các cuộc họp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xây dựng nông thôn mới đối với bản thân và cộng đồng, từ đó, làm thay đổi thái độ, tính tích cực, tự giác tham gia của người dân. Tuy nhiên, hiện nay trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức đầy đủ về xây dựng nông thôn mới; tính chủ động, tự giác trong tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước (phần lớn tập trung vào các xã miền núi); chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trong đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo đột phát trong cải thiện thu thập và điều kiện sống. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung tiêu chí thuộc về trách nhiệm của người dân vẫn chưa được thực hiện tốt như tình hình rác thải, nước thải nông thôn (thuộc tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm); tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế (tiêu chí y tế); tình hình trộm cắp trong nông thôn (thuộc tiêu chí an ninh trật tự)..rất cần sự ủng hộ, đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và duy trì bền vững tiêu chí. Ngoài ra, giai đoạn 2018-2020, người dân phải đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng rất nhiều các nội dung về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (theo quy định tại Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của Hội đồng nhân tỉnh Quảng Trị), nếu người dân không thực sự hiểu rõ và đầy đủ về chương trình nông thôn mới và trách nhiệm của họ khi thực hiện thì khó có thể huy động được nguồn lực trong cộng đồng dân cư để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Mặt khác, phong trào chỉnh trang nông thôn, xây dựng xã, thôn nông thôn mới kiểu mẫu rất cần sự tham gia và đóng góp của người dân. Tỉnh ta đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50 - 55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 59 - 65 xã); có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 08 tiêu chí. Để đạt mục tiêu đề ra, trong những năm tiếp theo công tác tuyên truyền vận động phải được tiếp tục được coi trọng, các cấp, các ngành phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên để chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, có phương thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng; nội dung dể hiểu, dể nhớ gắn với đời sống và sản xuất của người dân. Chú trọng tuyên truyền tại những thôn, bản vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, đặc biệt là ở cấp xã, thôn để cán bộ nhận thức đúng, đầy đủ thì mới thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân rõ ràng, hiệu quả. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vai trò của lực lượng người có uy tín để “đả thông tư tưởng” cho người dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo; có cơ chế nhân rộng các mô hình hay sáng tạo; đồng thời phê phán những tư tưởng trông chờ ỷ lại, kém hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Lê Oanh - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị