Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân phát huy truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo; không ngừng học tập, học nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao trình độ cho nông dân để trở thành chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chính trị cho cán bộ, hội viên nông dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân về vốn, pháp luật, khoa học- kỹ thuật (KHKT), xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Hàng năm, hội phối hợp tổ chức từ 60- 70 lớp tập huấn về KHKT; tổ chức 6-7 lớp dạy nghề; chủ động phối hợp với các công ty phân bón, thức ăn chăn nuôi cung ứng trên 150 tấn phân bón; trên 300 tấn thức ăn gia súc các loại cho nông dân; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng phân bón cho cây trồng; cho nông dân vay phân bón theo hình thức trả chậm; tổ chức hội thảo đầu bờ, hướng dẫn sử dụng các loại phân bón cho cao su, hồ tiêu, cây lúa, lạc... 100% cơ sở hội tổ chức hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua ủy thác từ các ngân hàng với tổng số tiền 151,5 tỷ đồng, cho 5.821 hộ vay. Phối hợp với các ngành chức năng huyện tham mưu, đề xuất xây dựng thương hiệu các sản phẩm cho nông dân như: tiêu, chè, gà Cùa, bún (Cẩm Thạch), gạo sạch (Cam An, Cam Thanh), tinh dầu lạc và các loại cao dược liệu. Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển mạnh, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh theo chuỗi giá trị, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc.
Hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do huyện phát động, hàng năm, các cấp Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như: Vận động hội viên nông dân tham gia hiến đất, đóng góp hàng ngàn ngày công cùng hàng chục tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa các công trình công cộng, xây dựng đường điện thắp sáng, trung tâm học tập cộng đồng, nhà mẫu giáo, bê tông hoá đường giao thông, kênh mương nội đồng, di dời mồ mả, cải tạo đồng ruộng, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm… phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, 100% cơ sở hội đã triển khai có địa chỉ cho 115/115 chi hội tham gia thực hiện mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; thực hiện “Đoạn đường tự quản”, “Đường kiểu mẫu” sáng, xanh, sạch, đẹp ở nông thôn. Toàn huyện có 7/8 xã về đích nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2018 có 100% số xã về đích nông thôn mới. Phong trào nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa đã được các cấp hội phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền, vận động thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở và các phong trào, cuộc vận động khác ở địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, lan tỏa sâu rộng, được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng. Năm 2012, có 6.270 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 95%/ tổng số hộ nông dân trong toàn huyện, đến năm 2017 có 7.598 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 97%/ tổng số hộ hội viên nông dân, tăng 2% so với năm 2012. Qua bình xét hàng năm, bình quân gia đình hội viên được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ từ 95% trở lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do hội vận động đã phát huy hiệu quả, đánh dấu sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc hướng đến nếp sống văn hóa mới, đồng thời bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực cho giai cấp nông dân phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng ta xác định: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Cam Lộ đoàn kết, quyết tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, xứng đáng là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2020 và các năm tiếp theo.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn