Để người sản xuất trên địa bàn hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nhãn hiệu sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức các hội thảo, tập huấn, tọa đàm như: hội thảo khoa học về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm mang yếu tố địa danh; về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương; phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa tổ chức hội thảo “Công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê chè vùng Hướng Hóa”… Các chương trình tập huấn, tuyên truyền, hội thảo nâng cao nhận thức, được duy trì đều đặn với nhiều hình thức và thu hút nhiều đối tượng tham gia. Ngoài ra, nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành cũng như các địa phương tổ chức tuyên truyền về sở hữu trí tuệ và đạt được kết quả nhất định về nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Nhằm thúc đẩy các ngành nghề truyền thống trên địa bàn phát triển, Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế- Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án khoa học công nghệ cấp cơ sở “Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, truyền thống mang yếu tố địa danh ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”. Sau hơn 1 năm thực hiện dự án đã xong giai đoạn I và tiến hành nghiệm thu giữa kỳ giai đoạn II. Dự án đã hoàn thiện 9 bộ hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể cho 9 sản phẩm đặc sản, đến nay 9 hồ sơ đã được quyết định chấp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Năm 2017, Phòng Quản lý chuyên ngành cũng đã hướng dẫn về mặt nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho 15 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Số lượng các nhãn hiệu hàng hoá thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp văn bằng bảo hộ hàng hoá trong năm 2017 là 17 nhãn hiệu hàng hóa trong tổng số 30 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được gửi đi. Những đơn còn lại sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục xem xét để cấp trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Tuy vậy, số lượng các văn bằng về nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ (bao gồm nhãn hiệu tập thế, nhãn hiệu chứng nhận) trên địa bàn tỉnh hằng năm có tăng nhưng không đáng kể ( năm 2014 có 8 văn bằng, năm 2015 có 14 văn bằng, năm 2016 có 18 văn bằng và năm 2017 có 17 văn bằng được bảo hộ). Về nguyên nhân, ông Lê Dinh, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Do quy mô phát triển nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ nên số lượng sản phẩm hàng hóa cần đăng ký nhãn hiệu hằng năm trên địa bàn không lớn. Hơn nữa, người sản xuất trên địa bàn còn ít quan tâm đến giá trị của nhãn hiệu hàng hóa trong sản xuất”. Không chỉ tư vấn, hướng dẫn cấp mới nhãn hiệu hàng hóa, Phòng Quản lý chuyên ngành còn phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh giải quyết các vấn đề về vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn như cung cấp thông tin xác định quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa; phối hợp với Phòng Thanh tra, Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Công ty TNHH CCS Mukdahan về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp về thương hiệu được đăng ký.
Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển sản phẩm hàng hóa và cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, sau khi đăng ký nhãn hiệu, người sản xuất ngoài không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thì cần quan tâm về vấn đề phát triển thương hiệu thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường. Có như vậy thì việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mới thực sự phát huy được giá trị của nó.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn