Dù sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC mới chỉ ở mức mô hình nhỏ lẻ, thử nghiệm, chưa có tính hệ thống cao, tuy nhiên không thể phủ nhận những kết quả bước đầu đạt được trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đơn cử như mô hình trồng rau, củ, quả sạch trong nhà màng tại HTX nông nghiệp Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh. Triển khai từ tháng 9/2017, mô hình có quy mô nhà màng 1.000 m2 , phục vụ sản xuất 2 vụ dưa lưới/năm. Tổng tổng kinh phí đầu tư trên 986 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 200 triệu đồng, HTX nông nghiệp Huỳnh Công Tây, các hộ gia đình góp vốn 486 triệu đồng, nguồn vốn huy động khác 300 triệu đồng. Đến nay mô hình sản xuất đã cho thu hoạch hơn 7 vụ dưa lưới, trừ chi phí, lợi nhuận thu được 280 triệu đồng.
Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh có 25 mô hình sản xuất nhà kính, nhà lưới, quy mô từ 500 - 2.000 m2 , sản xuất rau, củ, quả, hoa các loại. Bước đầu các mô hình đã mang lại nhiệu quả, đặc biệt là sản xuất rau trái vụ, hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Có hơn 200 ha cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giải quyết vấn đề nước tưới cho cây trồng cạn, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hạn.
Trong phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục áp dụng công tác cải tạo đàn bò với tỉ lệ bò lai Zebu năm 2019 đạt 55,8%. Toàn tỉnh hiện có 30 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 18 trang trại gia cầm có hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh, máng ăn, uống tự động.... Nhiều giải pháp khoa học công nghệ được triển khai như hố ủ phân, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, khử mùi hôi, đệm lót sinh học với chăn nuôi lợn thịt, gà, sử dụng hầm biogas. Ngoài ra một số trang trại lớn đã áp dụng công nghệ xử lý chất thải bằng hầm phủ bạt HDPE, đảm bảo môi trường để phân hủy chất thải và chứa khí biogas được sinh ra.
Nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, thời gian qua nhiều địa phương đã triển khai các mô hình nuôi tôm theo hình thức ương 2 giai đoạn, 3 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng nuôi tôm trong nhà kính, nhà lưới, cho năng suất bình quân đạt 17-18 tấn/ha/vụ.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, thông qua việc tổ chức tập huấn chuyển giao phần mềm giám sát biến động rừng từ ảnh Lansad 8 và Sentinel 2 đã giúp lực lượng chức năng ứng dụng thành thạo phần mềm giám sát biến động rừng, tiến hành kiểm kê rừng bằng phương pháp giải đoán ảnh viễn thám. Toàn tỉnh có 3 cơ sở được đầu tư công nghệ nuôi cấy mô, cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu cây giống lâm nghiệp /năm. Đến nay, đã có 23.429 ha rừng có chứng chỉ FSC, tăng 144% so với năm 2015. Rừng có chứng chỉ có giá bán cao hơn so với không có chứng chỉ trong cùng một thời điểm từ 15 - 18%.
Muốn phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả thì cần tập trung giải quyết các vấn đề then chốt hiện đang vướng mắc như thiếu quy hoạch đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Cần xây dựng cơ chế chính sách, quy trình phù hợp để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp CNC.
Thứ hai là cần lựa chọn đúng sản phẩm, khâu đột phá cho quy trình và công nghệ cao để đáp ứng, áp dụng thích hợp, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ cao đắt đỏ, gây nợ nần và rủi ro cao nhưng không đạt hiệu quả phát triển bền vững. Trong sản xuất nông nghiệp, giống là khâu then chốt, mang giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, tuy nhiên giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vẫn đang là vấn đề trăn trở cho ngành nông nghiệp. Qua các đợt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là đàn lợn, khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn giống để tái đàn. Ngoài ra, ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm tìm mua con giống đảm bảo trong điều kiện dịch cúm gia cầm H5N6 đã bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Phát triển nông nghiệp CNC đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, nhưng hiện dòng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp rất thấp. Vì vậy, để tỉnh có đủ tiềm lực tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương về kinh phí, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC.
Trên thực tế, những năm qua, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành một số nghị quyết, chính sách tạo động lực cho phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn, trong đó có đề cập đến hỗ trợ nông nghiệp CNC. Chính sách đã có, tuy nhiên việc triển khai và thực hiện còn hạn chế, đặc biệt việc đầu tư sản xuất ứng dụng CNC theo yêu cầu của các nghị quyết. Sản xuất trên địa bàn phần lớn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính mô hình, quy mô chưa tập trung, khó thụ hưởng các chính sách. Kiến thức về khoa học công nghệ, nhất là CNC của người dân còn hạn chế, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm của các mô hình chưa cao. Một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như công tác xã hội hóa trong thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết thêm: “Với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững có khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp đề xuất đến năm 2025 tỉnh cần xây dựng ít nhất 4 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC và tăng lên 10 vùng vào năm 2030. Trên cơ sở các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, chúng tôi mong muốn thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo triển khai phân bổ kinh phí thực hiện chính sách, đáp ứng nhu cầu về vốn của người sản xuất”.
Hiện tại, tỉnh chưa có các vùng, khu và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận. Do đó, tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, bổ sung tỉnh Quảng Trị vào quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng CNC của cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp CNC một cách hiệu quả, bền vững.