Nằm cách trung tâm huyện Gio Linh khoảng 6 km, xã Gio Quang có diện tích tự nhiên trên 1.836 ha với 3.339 nhân khẩu. Với tiềm năng lợi thế sẵn có, xã Gio Quang có thể phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng và bền vững với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời quy hoạch các vùng cây trồng, nuôi trồng thủy sản, kết hợp giữa trồng lúa và nuôi cá, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người dân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gio Quang Lê Văn Thông cho biết: “Bên cạnh việc phát huy lợi thế địa phương để phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, là xã thuộc vùng trọng điểm lúa của huyện Gio Linh, Gio Quang luôn xác định việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, cơ giới hóa nông nghiệp trên nền tảng nâng cao trình độ, kỹ thuật thâm canh cho nông dân là thế mạnh để phát triển toàn diện nền kinh tế địa phương”.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Gio Quang đã tập trung cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn tiếp cận với các tiến bộ KHKT để thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đầu tư mua sắm các trang thiết bị, máy móc làm công cụ sản xuất và vươn ra làm dịch vụ nhằm tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân. Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã đem lại hiệu quả thiết thực tại địa phương với diện tích tăng từ 8 ha năm 2015 lên 280 ha năm 2019. Nhiều giống lúa mới được nhân rộng đưa vào sản xuất đại trà; việc áp dụng hình thức gieo sạ hàng và bón phân cân đối tăng từ 10% diện tích lên 80% diện tích; xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 60 ha. Thương hiệu gạo Gio Quang được xây dựng và được công nhận vào cuối năm 2019, địa phương đã tiến hành in ấn bao bì, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm gạo địa phương, xã Gio Quang đã thực hiện liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Bia Hà Nội- Quảng Trị, các nhà máy tại Khu công nghiệp Quán Ngang và một số đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gio Quang Nguyễn Thị Thuận cho biết thêm: “Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nên ngoài trồng lúa, xã Gio Quang còn xác định các loại cây, con chủ lực khác để tập trung phát triển. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, thực hiện đa dạng hóa trong sản xuất, mở mang các ngành nghề dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”. Nhờ vậy, các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng bán công nghiệp có quy mô vừa trên địa bàn xã Gio Quang đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 3 trang trại tổng hợp đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thu lãi ròng từ 300- 350 triệu đồng/năm; 62 gia trại chăn nuôi nông hộ có quy mô vừa cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Việc ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được xã Gio Quang chú trọng thực hiện. Theo thống kê của địa phương, đến nay trên địa bàn có 220 máy nông nghiệp các loại, trong đó có 20 máy gặt đập liên hợp công suất lớn, vừa phục vụ thu hoạch tại địa phương và làm dịch vụ ở trong, ngoài tỉnh, đem lại nguồn thu bình quân từ 200- 300 triệu đồng/máy/năm. Việc áp dụng cơ giới vào sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động, giúp người dân chủ động từ khâu làm đất đến thu hoạch, đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ, khai thác hết diện tích gieo trồng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm của xã tăng 7,12%, góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân lên 39,5 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ở xã Gio Quang vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn độc canh cây lúa, chưa tạo được bước đột phá trong việc thay đổi các loại cây trồng, con nuôi mới để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, các vùng lúa sạch, lúa hữu cơ tuy đã phát triển nhưng diện tích còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Khâu quảng bá, giới thiệu, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo vẫn gặp một số khó khăn… Do vậy, để hướng đến phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, xã Gio Quang cần tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ sản xuất, canh tác mới thông qua các mô hình trình diễn, các hội nghị đầu bờ nhằm giúp nông dân “mắt thấy, tai nghe”, có thêm kiến thức để mạnh dạn sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời tập trung chỉ đạo, vận động người dân hoàn thành dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch, cải tạo đồng ruộng. Nếu thực hiện tốt khâu này thì việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, huyện Gio Linh cần có chủ trương để các ngân hàng quan tâm tạo điều kiện, kịp thời tiếp sức cho nông dân Gio Quang trong phát triển các mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nông sản sạch, hữu cơ, cũng như mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất…Thực tế hiện nay các sản phẩm nông sản còn phụ thuộc nhiều vào thị trường nên nông dân còn e dè trong việc đầu tư sản xuất, nhất là các mô hình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ. Do vậy, để nông nghiệp phát triển, cần mở rộng các hoạt động thương mại dịch vụ nhằm tăng khả năng giới thiệu, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cùng với đó cần có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sớm hình thành mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn bằng việc tích tụ ruộng đất với hình thức nông dân góp vốn bằng đất, thỏa thuận với các doanh nghiệp để sớm tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, chất lượng.