Mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị đang được nhân rộng

Thứ tư - 21/10/2020 23:32
Xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị đang được Nhà nước rất quan tâm, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho từng địa phương với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính liên kết trong chuỗi giá trị giúp HTX hoạt động và phát triển bền vững. Tại Quảng Trị, trong những năm qua đã hình thành nhiều mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Sản phẩm cao dược liệu làng nghề Định Sơn đang được đóng gói - Ảnh: B.B​
Sản phẩm cao dược liệu làng nghề Định Sơn đang được đóng gói - Ảnh: B.B​
 
HTX Cao dược liệu làng nghề Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ được thành lập cuối năm 2016 với 30 thành viên là những gia đình có trên 10 năm kinh nghiệm sản xuất cao dược liệu, chủ yếu là cao chè vằng. Trước đây, khi chưa có sự liên kết giữa các hộ sản xuất, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ theo hình thức nhỏ lẻ, hầu hết chưa có nhãn hiệu, thương hiệu nên giá trị sản phẩm chưa cao. HTX ra đời, bước đầu đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của làng nghề. HTX đã xây dựng thương hiệu tập thể đối với tất cả các sản phẩm, được vinh danh và đạt Top 10 thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng cấp quốc gia năm 2017. Làng Định Sơn đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề nấu cao dược liệu vào cuối năm 2016. Sản phẩm cao dược liệu ở HTX Định Sơn được chọn để xây dựng sản phẩm OCOP.
 
Theo ước tính, mỗi năm làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn chế biến tổng sản lượng cao các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô…, trung bình khoảng 135 tấn sản phẩm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi/năm. Khi sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước ngày càng nhiều, thì việc phải tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài để phục vụ sản xuất là cấp thiết. Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015, huyện Cam Lộ bắt đầu cho trồng thử nghiệm 2 ha cà gai leo, 1 ha chè vằng. Nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã triển khai mô hình trồng cây chè vằng tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã triển khai trồng được 73,3 ha cây chè vằng, nhiều nhất là tại các xã có nhiều diện tích đất gò đồi như Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Tuyền… Ông Võ Văn Trọng, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh cao dược liệu Định Sơn cho biết: “Hiện nay trên cơ sở là làng nghề truyền thống, HTX cũng đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn mác phù hợp, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị địa phương có hiệu quả. Mong muốn lớn nhất của HTX hiện nay là có thêm nguồn vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, đáp ứng các tiêu chí của một sản phẩm OPCOP”.
 
Những năm gần đây, nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như đào tạo, tập huấn, hỗ trợ thành lập mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ chế biến sản phẩm nông sản… Nhờ đó đã thúc đẩy các HTX phát triển, tạo ra được nhiều sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao như gạo sạch, cà phê hữu cơ, hồ tiêu, đậu xanh, đậu đen, chuối, nghệ, gừng, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, dược liệu… Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng hướng và đưa lại hiệu quả kinh tế. Nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển theo hướng chuỗi giá trị như HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa với sản phẩm cà phê hữu cơ; HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh xây dựng thương hiệu sản phẩm với quy mô toàn huyện; HTX Nông sản sạch Triệu Phong với sản phẩm gạo sạch; HTX Chăn nuôi gà Triệu Thượng, HTX Chăn nuôi gà Tứ Hải với sản phẩm gà sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa cho biết, tháng 3/2018, HTX được thành lập gồm 14 thành viên, có sự tham gia của Doanh nghiệp Shin Coffee với tư cách thành viên đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm, cam kết thu mua cà phê quả tươi với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 2.000 đồng/kg. Nhờ tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường, được các ngành chức năng kiểm định, cấp mã vạch, công bố chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài ra, có một số HTX sau chuyển đổi đã chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực địa phương có lợi thế, từ đó hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, du nhập nghề mới...
 
Từ thực tiễn cho thấy, mô hình HTX theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng trong việc nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Để thúc đẩy các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và có sức lan tỏa trong thời gian tới, cần có quy hoạch theo quy mô toàn vùng. Liên minh HTX tỉnh cần nghiên cứu mô hình chuỗi giá trị theo hình thức cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận với nguồn quỹ tín dụng hỗ trợ HTX, sau đó đầu tư liên kết bài bản với HTX... Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn để các HTX xây dựng được dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX và đơn vị thành viên; quan tâm đến chất lượng, nội dung, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế của các HTX. Hỗ trợ ứng dụng khoa học- kỹ thuật, đưa dây chuyền công nghệ cao vào trong sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham quan học tập kinh nghiệm và tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay2,386
  • Tháng hiện tại37,088
  • Tổng lượt truy cập9,586,673
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây