Đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn sản phẩm OCOP

Thứ năm - 26/11/2020 02:04
Thời điểm này, tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị cho việc đánh giá, phân hạng sản phẩm và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2020. Mục tiêu đặt ra là đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn các sản phẩm để nâng tầm giá trị hàng hóa của tỉnh trên thị trường.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Quảng Trị tại các hội chợ trong nước được khách hàng quan tâm -Ảnh: B.B​
Gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Quảng Trị tại các hội chợ trong nước được khách hàng quan tâm -Ảnh: B.B​
  
Thực hiện kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 của UBND tỉnh, thành phố Đông Hà đã tiến hành rà soát để đánh giá, phân hạng các sản phẩm nông, lâm nghiệp, ngành nghề theo tiêu chuẩn OCOP. Năm 2020, Đông Hà có 8 sản phẩm của 4 chủ thể tham gia đánh giá sản phẩm OCOP là: Tinh dầu gừng, nước cất lá trầu của Cơ sở sản xuất Huyền Thoại, gạo sạch QTO và gạo sạch QTO dành cho trẻ em của Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, cao chè vằng, cao cà gai leo, cao dây thìa canh của Cơ sở sản xuất cao trà thảo dược Bé Xịn, cao chè vằng Thiên Phúc Việt. Theo đại diện Phòng Kinh tế thành phố Đông Hà cho biết, để đánh giá chuẩn xác chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hội đồng đánh giá sẽ đánh giá cụ thể, chính xác theo các tiêu chí của OCOP, gồm: Sản phẩm có nguồn gốc, có nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, có sự tham gia của cộng đồng, thị trường tiêu thụ ổn định có tiềm năng mở rộng, gia tăng giá trị kinh tế...
 
Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 30 sản phẩm của các địa phương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, riêng hai đơn vị thị xã Quảng Trị và huyện Đakrông không tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP. Chị Trần Thị Lan, chủ Cơ sở sản xuất Trần Lan, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho biết, năm nay cơ sở sản xuất của chị chọn bộ sản phẩm bột ngũ cốc cao cấp Trần Lan, bánh cốm gạo lứt mè quê tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, đây cũng là bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 5, năm 2020. Đối với bộ sản phẩm này, mỗi năm cơ sở phải thu mua khoảng 3,5 tấn nguyên liệu để sản xuất. Tiêu chí hàng đầu được chị Lan đặt ra đối với nguyên liệu đầu vào để làm bột ngũ cốc như đậu đen, đậu đỏ, gạo đỏ… là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc trồng tại địa phương và đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, để bộ sản phẩm đảm bảo các yêu cầu tham gia đánh giá chất lượng OCOP, chị Lan đã hoàn thành các thủ tục cần thiết như xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy kiểm định chất lượng, hồ sơ tự công bố, mã vạch, truy xuất nguồn gốc… “Chúng tôi mong muốn bộ sản phẩm được phân hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020, như vậy sản phẩm sẽ được đón nhận rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.
 
Mục tiêu của việc đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP là nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh...) tham gia chương trình OCOP đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm đảm bảo các quy định tại bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia chương trình đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Thông qua đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP sẽ khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm. Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần triển khai thành công chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020 và làm tiền đề cho việc xây dựng đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 -2030.
 
Để được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu: Có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Tỉnh cũng yêu cầu các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải trải qua đánh giá và phân hạng một cách khách quan, chặt chẽ, đúng quy định, được tổ chức tuyên truyền rộng rãi để các địa phương và các hộ sản xuất, tổ chức kinh tế tham gia. Việc phân hạng, gắn sao sẽ được thực hiện theo 5 mức độ. Hạng 5 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 90 - 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 4 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 70 - 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao; hạng 3 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 50 - 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 30 - 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao; hạng 1 sao, tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
 
Để việc đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đảm bảo chính xác, hợp lý, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá các sản phẩm có hồ sơ đảm bảo theo quy định tiêu chí cần đạt tối thiểu trong đánh giá phân hạng sản phẩm tại Phụ lục 1 của Quyết định 781/QĐTTg ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các sản phẩm được đánh giá đạt điểm tiềm năng 3 sao trở lên được tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm ở cấp tỉnh. Các sở, ngành liên quan cử cán bộ lãnh đạo tham gia hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đúng thành phần và thời gian để thực hiện việc đánh giá đạt kết quả tốt; cử cán bộ của tổ giúp việc chương trình OCOP tham gia hỗ trợ công tác hồ sơ cho hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Việc đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 yêu cầu tổ chức chặt chẽ, khách quan, đúng quy định. Thông qua đánh giá, phân hạng và công nhận các sản phẩm, tuyên truyền đến các địa phương, cộng đồng nhằm khích lệ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay2,491
  • Tháng hiện tại37,246
  • Tổng lượt truy cập9,586,831
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây