Trước đây, gia đình ông Lê Quang Thảo ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn sản xuất các loại rau màu trên vùng cát như ném, đậu, mướp đắng, mướp ngọt... nhưng hiệu quả mang lại không cao. Gần 2 tháng nay, gia đình ông được Công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam (Nhật Bản) tài trợ về kinh phí, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị hỗ trợ về kỹ thuật để triển khai thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao trên diện tích vùng cát. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1.000 m2 , bước đầu trồng 500 cây dưa lưới, tổng kinh phí của mô hình hơn 600 triệu đồng, trong đó gia đình ông Thảo đầu tư 160 triệu đồng để san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống nước, đúc trụ, làm nhà lưới khép kín đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm đúng với quy định, giúp cây phát triển tốt. Quá trình thực hiện mô hình, Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí cán bộ chuyên môn hướng dẫn gia đình ông về quy trình và công nghệ trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng trực tiếp trên cát, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ cao.
Mặc dù mới trồng thử nghiệm trên vùng đất cát ở Triệu Sơn nhưng cây dưa lưới rất thích nghi ở điều kiện nắng nóng, phát triển rất tốt, cây ra hoa đều và cho trái to, đều. Tỉ lệ đậu trái đạt trên 90%. Dưa lưới trồng trong nhà kính nên quản lý được sâu hại, dịch bệnh, giúp tiết kiệm công lao động. Ông Thảo cho biết: “Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, để thực hiện mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, quá trình chăm sóc cho cây phải rất công phu, tỉ mỉ từ lúc cây ra 5 lá đến khi có trái 20 ngày, chúng tôi thường xuyên túc trực chăm bón, tỉa cành theo hướng dẫn và nhất là hệ thống tưới phải hoạt động đều đặn. Quan trọng nhất là thời kỳ thụ phấn, người trồng phải theo dõi, trực tiếp thụ phấn cho cây đúng thời gian cây vừa ra hoa vào buổi sáng. Phân bón cho cây phải sử dụng phân hữu cơ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và môi trường. Nếu như trên diện tích đất cát trước đây gia đình tôi trồng hoa màu mỗi vụ chỉ lãi 50 triệu đồng/ha thì cũng với diện tích này, theo tính toán của các chuyên gia, dự án trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao triển khai 1 năm sẽ trồng được 3,5 vụ, nếu giá cả thuận lợi mỗi vụ thu về từ 180 - 200 triệu đồng”.
Hiện nay dưa lưới của gia đình ông Thảo phát triển tốt, chỉ còn ít ngày nữa cho thu hoạch, sản phẩm được Công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam cam kết bao tiêu. Hy vọng với những thuận lợi bước đầu, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới sẽ tạo động lực cho gia đình ông Thảo cũng như các hộ dân ở Triệu Sơn mạnh dạn hơn trong đầu tư công sức, kinh phí để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.
Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Hữu Vãn cho biết: “Sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm hỗ trợ đầu tư mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao cho hộ gia đình ông Lê Quang Thảo, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để xây dựng mô hình này. Đây là mô hình hứa hẹn có triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để khai thác tiềm năng vùng cát, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.