Trồng trái cây theo hướng hữu cơ tại huyện Hướng Hóa

Chủ nhật - 30/08/2020 23:11
Hưởng ứng phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bà con nông dân ở huyện Hướng Hóa đã triển khai mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp cho hiệu quả cao. Nhờ biết cách trồng, đầu tư, chăm sóc theo hướng sản xuất mới an toàn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên các loại trái cây đặc sản của địa phương dần có chỗ đứng trên thị trường
Mô hình trồng cây mít Thái theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Phương thôn Cổ Thành, xã Tân Thành
Mô hình trồng cây mít Thái theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Phương thôn Cổ Thành, xã Tân Thành
 
     Dù không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào nhưng bằng niềm đam mê, ông Nguyễn Phương ở thôn Cổ Thành, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa đã đi học hỏi kinh nghiệm và tham quan các mô hình điển hình, tìm hiểu trên sách báo, internet... Năm 2016, ông quyết định đầu tư khu đất đồi 4,7ha để trồng và chăm sóc vườn trái cây theo hướng hữu cơ. Sau 3 năm, vườn trái cây tổng hợp với 700 cây mít thái, 200 cây ổi Đài Loan, 120 cây vú sữa, 80 cây chôm chôm, nhãn, vải cùng nhiều loại cây khác đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, mít thái và đu đủ là những loại quả đang được gia đình ông Phương bán với giá từ 15-30 nghìn đồng/kg. Để thâm canh theo hướng hữu cơ, ông thu gom phân chuồng từ một số hộ gia đình trên địa bàn thôn, xã về ủ mục và kết hợp với bánh dầu lạc, bã đậu nành, xác cá … để bón cho cây trồng. Các khâu thực hiện trên đều đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ trồng đa dạng nên vườn trái cây cho quả quanh năm theo mùa vụ và bước đầu mang lại thu nhập đáng kể. Ông Nguyễn Phương chia sẽ: “Kinh nghiệm để trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ được tiến hành theo các bước sau: Thứ nhất, Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học; tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ mà để cỏ trong vườn, dùng máy phát cỏ theo từng đợt, nhằm hạn chế rửa trôi đất và xác cỏ tạo mùn bã hữu cơ làm tơi xốp đất. Thứ hai, hạn chế bón phân hóa học, chỉ bón 1 lượng nhỏ trong một năm, trung bình mỗi gốc ông chỉ bón từ 1,5 - 2kg phân NPK/cây. Chủ yếu bón phân hữu cơ tự ủ là chính với lượng từ 40 - 50 kg/cây, một năm chia ra thành nhiều đợt để bón nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây. Thứ ba, vườn cây ăn trái nên lắp hệ thống tưới nước tự động, tưới tiết kiệm nước nhằm chủ động tưới cho cây khi cần thiết cũng như tiết kiệm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới. Thứ tư, sau khi thu hoạch quả phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành tăm yếu và những cành không có khả năng cho quả ra khỏi vườn để tiêu hủy nhằm hạn chế các mầm bệnh trong vườn cây”.
     Nhận thấy tiềm năng khí hậu, đất đai cùng nhu cầu tiêu thụ của người dân tại địa phương. Hơn 1 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở khóm Tân Kim, thị trấn Lao Bảo đã mạnh dạn đầu tư trồng 3 sào ổi Đài Loan với 200 cây. Mỗi năm, cho thu hoạch 02 vụ. Thời điểm này, vườn ổi của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch vụ thứ 2. Điều đặc biệt là giống ổi này ăn rất ngon, giòn, ngọt nên được khách hàng ưa chuộng. Với giá bán từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí thu lãi 20 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao của cây ổi Đài Loan đang mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho gia đình. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Cây ổi khoảng 8-10 tháng cho thu hoạch. Vườn cây được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng, độ tuổi nên luôn xanh tốt, phát triển đều, không dịch bệnh”.
     Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hóa có khá nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn trồng trái cây theo hướng hữu cơ. Từ những hiệu quả ban đầu cho thấy canh tác theo hướng hữu cơ là hướng canh tác bền vững, góp phần giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Phân hữu cơ vi sinh tạo được độ tơi xốp, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng, cây cho trái có chất lượng tốt. Sản xuất theo hướng hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng… đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
     Đánh giá và định hướng về phương pháp trồng trái cây theo hướng hữu cơ, ông Hồ Văn Toàn - Chủ tịch Hội nông dân huyện Hướng Hóa cho biết thêm: “Những năm gần đây, cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần thiết thực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của các loại cây trồng, phía Hội Nông dân huyện sẽ tham mưu tổ chức các lớp hướng dẫn cách trồng chăm sóc cây ăn quả; triển khai một số mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ; tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng hóa học chuyển sang dùng chế phẩm sinh học; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong cung ứng giống, vật tư cây trồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuấn kỹ thuật theo quy định, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống người dân”.
     Mạnh dạn phát triển kinh tế từ các loại cây trái, vận dụng khéo léo kinh nghiệm vào thực tế kết hợp tiềm năng lợi thế và khai thác thế mạnh thị trường tiêu thụ đã đem lại nhiều triển vọng cho bà con trồng cây ăn trái ở huyện Hướng Hóa. Tin rằng, với phương thức sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ, các loại cây ăn quả ở đây sẽ trở thành thương hiệu đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người nông dân ở huyện miền núi này.

Nguồn tin: Trang thông tin điện tử huyện Hướng Hóa:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,313
  • Tháng hiện tại37,015
  • Tổng lượt truy cập9,586,600
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây