Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu nông sản ở Triệu Phong

Thứ tư - 29/04/2020 04:12
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong đã tập trung cơ cấu lại sản xuất ngành nghề nông nghiệp, lựa chọn những mô hình kinh tế, những cây trồng, con nuôi phù hợp để phát triển sản phẩm theo hướng nông nghiệp bền vững, đồng thời chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng, kết nối thị trường.
Mô hình lúa sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên ở Triệu Phong cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: T.T
Mô hình lúa sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên ở Triệu Phong cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: T.T
 
Những giải pháp đã được huyện Triệu Phong triển khai hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là xây dựng cánh đồng lớn, trang trại, gia trại, các mô hình nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên. Toàn huyện đã chuyển đổi và triển khai sản xuất cánh đồng lớn ở 47 HTX với diện tích 1.605 ha, quy mô tập trung từ 20 ha/cánh đồng đối với cây lúa. Thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên tại 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch với diện tích 45 ha, năng suất bình quân trong năm đạt 50 tạ/ha. Đến nay, huyện đã thực hiện cấp chứng chỉ cho 44 trang trại, phát triển một số mô hình sản xuất, cây trồng, con nuôi phù hợp cho từng địa phương. Tập trung chuyển đổi một số diện tích lúa thấp trũng, ao, đầm sang mô hình sen - cá với diện tích 100 ha, lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/ ha, mở rộng diện tích cây ném, kiệu, mướp đắng, đậu đen xanh lòng ở vùng cát ven biển đem lại hiệu quả khá cao. Đối với các vùng đất rừng kém hiệu quả, huyện chuyển đổi sang trồng dứa nguyên liệu và cây dược liệu, đến nay đã trồng được 22 ha dứa ở xã Triệu Ái, Triệu Thượng và 1,5 ha cây cà gai leo ở xã Triệu Ái.
 
Ngoài ra đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án trồng 5 ha cam có hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Triệu Thượng, trồng thử nghiệm 4 ha cây na Thái Lan ở các xã Triệu Ái, Triệu Thượng, Triệu Giang. Về thủy sản, đã triển khai xây dựng 1 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại Triệu Lăng và tiếp tục xây dựng 3 mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tại hai xã Triệu Vân và Triệu An từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, 1 mô hình chế phẩm sinh học tại Triệu Vân, 1 mô hình nuôi cá leo tại Triệu Hòa quy mô 0,3 ha. Ngoài ra, huyện đã phối hợp với Dự án KOICA - Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Triệu Phong thực hiện mô hình chăn nuôi lợn, gà theo phương pháp canh tác tự nhiên. Năm 2019 có 150 hộ tham gia mô hình nuôi gà, 14 hộ duy trì mô hình nuôi lợn cung cấp cho cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong với giá bán ổn định và có lãi.
 
Theo thống kê của Phòng Công thương huyện, trong năm 2019 đã có ba sản phẩm hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm là gà sạch Triệu Thượng, tinh dầu Phúc An Phát ở Triệu Trung và nước mắm ruốc đặc Thúy Nga ở Triệu An. Từ cuối năm 2019 đến nay, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng nhãn hiệu cho 12 sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Theo đó đã hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX thiết kế logo, bao bì, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, lập hồ sơ mã số, mã vạch, kiểm nghiệm, phân tích mẫu, theo dõi hồ sợ tại Cục Sở hữu trí tuệ.
 
Năm 2019 là một năm ghi nhận nhiều tin vui đến với Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Triệu Phong khi sản phẩm gạo sạch Triệu Phong được công nhận là một trong hai sản phẩm OCOP đạt “bốn sao” đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Trước đó, gạo sạch Triệu Phong đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo sạch được sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041- 2:2017. Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt phấn khởi nói: “Vụ đông xuân này, với diện tích 45 ha, dự kiến năng suất đạt 52 tạ/ha, cao hơn so với vụ trước. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX Triệu Phong đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, đến thời điểm này HTX đã thu mua cho dân hơn 100 tấn lúa. Sản phẩm gạo sạch Triệu Phong hiện được bày bán tại hệ thống siêu thị Coop.mart, hệ thống cửa hàng Bác Tôm và các kênh phân phối khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung”.
 
Định hướng phát triển trong thời gian tới của huyện Triệu Phong là tiếp tục mở rộng cánh đồng lớn ở những đơn vị có đủ điều kiện, nhân rộng sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên từ 55 - 60 ha, mở rộng 5 mô hình chăn nuôi lợn, 15 mô hình nuôi gà sạch... Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết thêm: “Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất theo canh tác tự nhiên, đặc biệt là đối với lúa vì tiềm năng thị trường tiêu thụ ngày càng lớn. Từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương như lúa chất lượng cao, lúa canh tác tự nhiên, sản phẩm tôm nuôi nước mặn - lợ, sản phẩm cây có múi, cây dược liệu vùng gò đồi, gỗ rừng trồng FSC... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân”.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,854
  • Tháng hiện tại36,556
  • Tổng lượt truy cập9,586,141
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây