Vụ Đông Xuân 2019-2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích 16ha, tại 2 điểm xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh). Mô hình sử dụng giống lúa HN6 và Bắc Thơm 7, Đài thơm 8. Để tham gia mô hình các hộ dân phải tuân thủ nghiêm ngặt những kỹ thuật cần áp dụng trong mô hình, 100% hộ tham gia mô hình phải tham gia ủ và sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma để bón cho ruộng lúa. Khác với sản xuất đại trà, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Quế lâm và trong quá trình chăm sóc cây lúa không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, kèm theo đó chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa qua từng thời kỳ.
Đến xã Gio Quang, huyện Gio Linh sau trận mưa lớn kèm theo gió giật mạnh xảy ra vào giữa tháng 4, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Sáng - Phó Chủ tịch xã Gio Quang dẫn đường ra thăm ruộng lúa. Ông Sáng phấn khởi bởi mấy ngày qua bị ảnh hưởng vài cơn mưa lớn kèm theo gió nhưng lúa Bắc Thơm 7 và Đài thơm 8 của ruộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn đứng vững. Ông Sáng cho hay: “Qua quá trình triển khai cho thấy, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ cây lúa được bổ sung các loại phân hữu cơ, giúp cây lúa chắc khỏe. Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, cứng cây, bộ rễ nhiều bám sâu vào đất không bị đỗ ngã khi gặp mưa giông. Nếu làm lúa bằng phân bón, thuốc hóa học trên những chân ruộng này chắc chắn giờ lúa đỗ ngã nằm sát đất rồi”.
Ông Sáng cũng cho biết thêm, thành công bước đầu của mô hình đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho cho địa phương. Trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình tiến tới xã sẽ xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa bảo đảm giá trị bền vững.
Cũng tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cho biết nhờ việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng Quế Lâm, kết hợp với phân chuồng được ủ bằng chế phẩm, nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, nhiều loài cá, ốc, cua đồng đã xuất hiện trở lại trên ruộng lúa. “vụ trước bước đầu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nhiều hộ nông dân e dè, bởi có nhiều quy định nghiêm ngặt về sử dụng phân và thuốc. Tuy nhiên, khi đã qua 1 vụ lúa, năng suất tốt, kèm theo giá cao, hộ dân phấn khởi, họ tự xin tham gia canh tác lúa hướng hữu cơ. Điều đáng vui mừng là giờ đây trên các bờ ruộng mô hình không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước nữa”, ông Lâm nói.
Quả đúng vậy, phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thỗ nhưỡng, hệ sinh thái đồng ruộng. Thế mạnh của cây lúa hữu cơ là chi phí sản xuất thấp, cải tạo độ màu mỡ của đất, chất lượng đảm bảo, hạt gạo thơm ngon nên giá cao, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Năng suất mô hình ước tính 52-55 tạ/ha đối với giống Bắc thơm 7, Đài thơm8; 60 tạ/ha đối với giống HN6, với giá bán 9.000đ/kg sẽ cho thu nhập 47 – 50 triệu đồng/ha, cao hơn so với đại trà 15-20%.
Ông Trần Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết đây là vụ sản xuất thứ 4 Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn có tác động lớn về mặt môi trường, xã hội. Chất lượng nông sản tốt đã góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Bên cạnh đó, phương thức canh tác hữu cơ còn giúp cải thiện, nuôi dưỡng chất lượng đất và bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân nông thôn.
Việc triển khai mô hình đã nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.