Tân Hào, miền quê đáng sống

Thứ hai - 03/08/2020 20:39
Về thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá những ngày này, không khó để thấy được bức tranh làng quê đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên san sát; những tuyến đường bê tông rộng dài, ngập tràn sắc hoa nối liền các thôn, xóm; những vườn cây sum suê, trĩu quả và ngày một nhiều hơn những mô hình sản xuất kinh doanh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Người dân nơi đây đang nỗ lực xây dựng Tân Hào trở thành một miền quê đáng sống.
Đường vào thôn Tân Hào hôm nay. Ảnh: H.T
Đường vào thôn Tân Hào hôm nay. Ảnh: H.T
  
Theo chân Bí thư Chi bộ thôn Tân Hào Phạm Như Đồng đến thăm mô hình trồng hoa lan thương phẩm của gia đình ông Phạm Đức, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở thôn Tân Hào, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi tư duy sản xuất tiến bộ, mạnh dạn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây trồng mới, cụ thể là các giống cây hoa lan để phát triển kinh tế gia đình với mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Ông Đức chia sẻ, trước đây, gia đình ông có thuê hơn 2 ha đất để làm trang trại tổng hợp, chăn nuôi bò, lợn, gà và trồng một số loại cây hoa màu. Thế nhưng, do tình hình dịch bệnh và diễn biến thời tiết thất thường nên mặc dù gia đình ông đã đầu tư rất nhiều vốn liếng, công sức để mở rộng trang trại nhưng thu nhập mang lại không tương xứng. Đến năm 2016, nhận thấy hoa lan có giá trị kinh tế, được nhiều người chơi hoa “săn lùng”; khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương lại khá phù hợp với giống hoa này nên ông Đức quyết định vươn lên làm giàu bằng nghề trồng hoa lan.
 
Những ngày đầu trồng và chăm sóc, ông Đức gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ nên hoa lan bị chết và hao hụt nhiều. Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, cộng với tình yêu thiên nhiên, cây cỏ nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã nắm bắt được nghề trồng lan, có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Từ đó, hoa lan do gia đình ông Đức trồng đã được nhiều khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, có những loại hoa lan dã hạc quý hiếm được ông bán lại cho những người sưu tầm có giá hàng trăm triệu đồng/chậu. “Từ mô hình trồng hoa lan của ông Đức, đã có nhiều hộ gia đình trong thôn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng quê hương Tân Hào ngày càng đổi mới, phát triển”, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hào Phạm Như Đồng nói.
 
Thôn Tân Hào hiện có 152 hộ với trên 640 nhân khẩu. Trước đây, đời sống của người dân trong thôn còn gặp rất nhiều khó khăn vì kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, đường giao thông chỉ là đường đất nên việc giao thương, buôn bán của người dân còn hạn chế. Những năm trở lại đây, người dân bắt đầu tìm hướng phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và thực sự đổi thay rõ nét nhất là vào những năm 2010 - 2011 khi địa phương bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng nông thôn mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế cho người dân để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Phá thế độc canh của cây lúa, một số hộ chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày, đào ao nuôi thủy sản, có hộ trồng rau, phát triển chăn nuôi theo hình thức khép kín. Hiện thôn có 9 ha lúa nước, 10 ha các loại cây lương thực và hoa màu, 12 ha chuối, 64 ha cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu). Về chăn nuôi, thôn có hơn 1.500 con gia cầm, gần 1.000 con gia súc/ năm. Nhờ tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, kinh tế của các hộ từng bước được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người trên 27 triệu đồng/năm.
 
Mô hình trồng hoa lan thương phẩm của ông Phạm Đức mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.T
 
Bên cạnh đó, nông thôn mới mang theo luồng “sinh khí mới” khiến người dân thôn Tân Hào thêm hăng say lao động, tích cực góp sức người, sức của để thay đổi diện mạo quê hương. Nếu như trước đây, đường vào thôn cách trở đèo dốc, gần như biệt lập với bên ngoài về mùa mưa do đường sá lầy lội, trơn trượt, thì nay những con đường bê tông thẳng tắp đã nối dài những miền quê, len lỏi vào từng nhà dân. Từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Tân Hào đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, hơn 2.000 cây các loại, đóng góp hơn 1.000 ngày công và hàng trăm triệu đồng tiền mặt để mở rộng lòng đường, chỉnh trang nông thôn; phát động trồng hoa, cây cảnh trên các trục đường thôn; lắp đặt pa nô, áp phích tuyên truyền…, làm cho bộ mặt nông thôn sạch đẹp, khang trang.
 
Chia sẻ về những đổi thay trên quê hương, ông Nguyễn Ngọc Luyện, một người dân trong thôn phấn khởi cho hay: “Trước đây, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bộ mặt nông thôn đã có sự chuyển mình nhưng phải đến khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện, những đổi thay mới thực sự rõ rệt: đường sá đi lại dễ dàng; bà con chỉnh trang nhà cửa, vườn tược sạch đẹp; nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên... Lối sống của bà con cũng thay đổi, nâng cao ý thức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dần thay đổi tập quán sản xuất cũ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động và năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; thu nhập nâng lên nên cuộc sống của các gia đình không còn khó khăn như trước…”.
 
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội của thôn cũng có nhiều khởi sắc. Phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách được thực hiện tốt theo quy định. Hệ thống chính trị cơ sở được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
 
Để có được những kết quả ấy, bên cạnh sự vào cuộc, quan tâm sát sao của chính quyền xã Tân Liên và Chi bộ thôn Tân Hào, còn phải kể đến ý thức tự giác vươn lên của mỗi người dân nơi đây, bởi người dân chính là chủ thể và cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả của nông thôn mới. Sự vươn lên đó cho thấy khát khao của người dân về một tương lai tươi sáng, quyết tâm xây dựng quê hương Tân Hào trở thành một miền quê đáng sống của huyện miền núi Hướng Hoá.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay2,121
  • Tháng hiện tại36,823
  • Tổng lượt truy cập9,586,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây