Trưởng thôn tâm huyết với quê hương

Thứ hai - 03/08/2020 22:49
Trong thành công chung của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu với sự nhiệt huyết và trách nhiệm của mình đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận
Trưởng thôn Mai Lộc 2 Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: HG
Trưởng thôn Mai Lộc 2 Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: HG
 
Thôn Mai Lộc 2 đã được UBND xã Cam Chính đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu và chọn làm điểm nhấn của xã. Cảnh quan NTM ở nơi đây ngày càng khởi sắc với đường sá phong quang, hai bên đường được trồng các loại hoa, cây cảnh đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, gắn bó. Sự thành công trong phong trào xây dựng NTM ở Mai Lộc 2 có dấu ấn của Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu. Trước khi kể về sự đóng góp đáng ghi nhận của ông thì cũng nên điểm qua một vài thông tin khá đặc biệt về người trưởng thôn này.
 
Trưởng thôn Hiếu kể, cuộc đời của ông có nhiều trắc trở và những ngã rẽ bất ngờ. Học đến hết lớp 9, do gia đình quá khó khăn nên ông nghỉ học giữa chừng. Ở nhà ông vừa phụ giúp gia đình vừa tham gia hoạt động đoàn tại địa phương. Khoảng vài năm sau ông cưới vợ và vợ chồng ông lần lượt sinh 2 người con một gái, một trai. Và đúng 15 năm sau khi nghỉ học lớp 9, khi đã bước vào tuổi 30, để có vị trí công tác tốt ở xã, ông bắt đầu đi học bổ túc văn hóa. Sau khi tốt nghiệp bổ túc THPT, ông cũng chỉ có ý định học ngang đó rồi tiếp tục làm công tác đoàn tại địa phương. “Nhưng tôi thấy đề thi đại học thời điểm ấy cũng không đến nổi khó lắm nên quyết định thử sức. Vậy là năm 2000, tôi thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nhưng thiếu 1 điểm. Năm sau thi thêm một lần nữa vào Đại học Sư phạm Huế cũng thiếu 1 điểm. Quá tam ba bận, năm 2002 tôi quyết định thi vào Trường Đại học Đà Lạt với chuyên ngành tổng hợp Sử, xác định đỗ thì đi học không thì thôi. Không ngờ lần này tôi thi đỗ. Năm thi đỗ đại học tôi vừa tròn 35 tuổi”, ông Hiếu kể.
 
Vậy là gác lại mọi việc ở địa phương, thu xếp việc gia đình, ông lên Đà Lạt nhập học. Thời điểm đi học đại học thì con trai đầu của ông tròn 5 tuổi, con gái sau lên 3 tuổi. Bốn năm học đại học, người vợ giáo viên của ông chu cấp mọi chi phí để ông theo học. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2006, ông xin lên dạy hợp đồng cấp THCS ở xã miền núi xa xôi, cách trở Hướng Lập, huyện Hướng Hóa với hy vọng vài năm sẽ được xét vào biên chế, có lương ổn định để phụ vợ nuôi con. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm gắn bó với núi rừng, rốt cuộc ông vẫn không được xét vào biên chế. Sự uể oải của người giáo viên lớn tuổi không thể bám trụ lại với núi rừng khi đồng lương hợp đồng quá eo hẹp đã khiến ông từ bỏ nghề giáo trở về với gia đình vào năm 2014. “Tôi cũng yêu nghề giáo lắm mới quyết định lên núi rừng vào quãng thời gian rất khó khăn đó. Nhưng công sức bỏ ra đã không như mong đợi khiến mình rứt ruột bỏ nghề về quê đỡ đần vợ con”, ông Hiếu tâm sự.
 
Về quê, loanh quanh làm ruộng vườn ông vừa tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. Với bầu nhiệt huyết của những năm tháng làm công tác đoàn, ông được địa phương tin tưởng và người dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mai Lộc 2 vào năm 2015. Làm trưởng thôn vào thời điểm thôn, xã đang sôi nổi thi đua xây dựng NTM, ông đã dành nhiều tâm huyết và trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của mình. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ cùng với ban thôn, Mặt trận khu dân cư, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu đã điều hành, quản lý các hoạt động của thôn đạt được một số thành tích đáng ghi nhận. Đó là diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hệ thống chính trị ở khu dân cư được kiện toàn, hoạt động có nền nếp, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được cải thiện. Đến cuối năm 2019, mức thu nhập bình quân của thôn đã đạt 41 triệu đồng/người/năm. Ông cùng với địa phương ra sức vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các hạ tầng trong thôn ngày càng hoàn thiện. Đến nay hệ thống điện thắp sáng đường quê của thôn đã đạt 100% trên các trục đường với tổng chiều dài 4 km, có 80 bóng điện, tổng trị giá 120 triệu đồng. Xây dựng được 1.500 m đường hoa trị giá 78 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 256 ngày công. Đến nay các tuyến đường hoa được giao cho 3 chi hội (Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh) chăm sóc và bảo vệ.
 
Để mở mang thông thoáng các trục đường liên thôn liên xóm, người dân đã hiến 1.200 m2 đất và 200 cây các loại. Về thiết chế văn hóa, đã dựng được 2 cụm pa nô, áp phích, băng rôn trị giá 4,5 triệu đồng. Tiếp nhận, xây dựng khu vui chơi trẻ em 15 triệu đồng. Đổ đất san nền trung tâm học tập cộng đồng 17 triệu đồng. Xây dựng hố rác tập trung 35 triệu đồng. Khoan giếng tại Nhà văn hóa thôn 10 triệu đồng. Xây mới Trung tâm học tập cộng đồng thôn và công trình phụ (nhà vệ sinh, nhà xe, sân bê tông...) trị giá hơn 600 triệu đồng với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đến nay Chi hội Phụ nữ đã đảm nhận và hoàn thành đúc 120 trụ cờ, mua sắm 120 cán cờ Tổ quốc cho các gia đình để cắm vào các ngày lễ, tết. Thôn cũng đã thành lập 1 tổ thu gom rác 3 lần/tháng và 1 tổ cắt cỏ vệ sinh 1 lần/tháng với kinh phí do người dân tự nguyện chi trả.
 
Năm 2019, thôn Mai Lộc 2 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong lễ tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen nhân dịp sơ kết 5 năm xây dựng NTM. Đặc biệt, thôn được huyện công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu mức 1. Với sự tận tâm và những đóng góp của mình trong công cuộc xây dựng NTM tại địa phương, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu đã nhiều lần được huyện, xã ghi nhận và tặng giấy khen. “Cái được nhất của vợ chồng tôi là hiện các con đều chăm ngoan học giỏi. Con trai đầu của tôi sắp tốt nghiệp đại học. Con gái hiện đang học Đại học Y Huế. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao, tiếp thêm động lực để vợ chồng tôi tiếp tục gắn bó và hoàn thành tốt công việc của mình”, ông Hiếu chia sẻ.
 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay2,106
  • Tháng hiện tại36,808
  • Tổng lượt truy cập9,586,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây