Hướng về nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân.

Thứ ba - 14/04/2020 03:11
Trong những năm qua, bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã tổ chức khảo sát thực tế ở khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó đã đa dạng hóa loại hình đào tạo, từng bước đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy. Nhờ vậy đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Mô hình trồng rau sạch ở xã Vĩnh Lâm
Mô hình trồng rau sạch ở xã Vĩnh Lâm
Chị Lê Thị Thảo, Người dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong cho hay: Sống ở vùng cát đất đai khô cằn, cuộc sống rất khó khăn, năm 2016 lại bị ảnh hưởng nặng do sự cố môi trường biển gây nên, lúc đó cả gia đình hết sức băn khoăn, lo lắng chưa biết làm gì để có nguồn thu nhập. Được tin cán bộ của Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị về tổ chức lớp tập huấn nuôi gà thả vườn, chị đã tham gia. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tín chấp cho vay vốn, chị đã xây dựng chuồng trại thoáng mát và cao ráo, chọn giống có chất lượng, thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên chú trọng công tác tiêm phòng. Mỗi năm, ngoài xuất bán hơn 3 ngàn gà thịt, chị còn nuôi gà sinh sản, mua máy ấp trứng, sản xuất gà giống bán cho bà con trong vùng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Còn ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, từ năm 2017, nhận thấy trên địa bàn có lợi thế về địa hình, điều kiện thời tiết cùng sự ưu đãi về diện tích đất rừng, quanh năm có nguồn hoa tự nhiên phong phú, một số hộ đã thử nghiệm nuôi ong tự nhiên lấy mật nhưng do nuôi tự phát, không am hiểu kỹ thuật nên hiệu quả còn thấp. Còn bây giờ, hơn 20 hộ rất phấn khởi bởi sau khi áp dụng những kiến thức được học từ lớp dạy nghề, đã biết cách chọn giống có chất lượng, thiết kế thùng nuôi, nắm rõ đặc tính của ong từ di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn, chọn điểm nuôi phù hợp, chống nóng, chống rét cho ong, đặc biệt nắm vững kỹ thuật tạo ong chúa và nhân đàn nên hiệu quả mang lại rất cao. Ông Trần Hữu Cả, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi ong cho biết: Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập Tổ hợp tác cùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển thêm đàn để tăng thêm thu nhập và hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều hộ ở trong thôn, trong xã có ý định nuôi ong. Ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, từ năm 2018, sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng rau an toàn, chị Trần Thị Hương đã cải tạo khu vườn rộng hơn 500 mét vuông, phá bỏ toàn bộ cây trồng cũ, tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh, xen canh, gối vụ, cách làm này vừa tăng hệ số sử dụng đất, bổ sung dinh dưỡng cho đất, vừa cho nguồn thu nhập quanh năm. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất chị không sử dụng phân hóa học, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại rau màu cho năng suất cao và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Điều đáng nói hơn là chị Hương cùng với 12 hộ trong thôn Di Viên đã thành lập Tổ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về giống, vốn, kỹ thuật canh tác, liên kết cùng nhau làm ăn. Hàng tuần, Tổ hợp tác tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, phân công nhiệm vụ, người lo đảm trách khâu sản xuất các loại chế phẩm sinh học, người lo khâu tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Tổ đã đứng ra vay Ngân hàng chính sách xã hội 100 triệu, hỗ trợ cho 2 chị có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tham gia mô hình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiên Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị nhấn mạnh: Muốn cho các loại cây trồng, con nuôi cho sản lượng cao, chất lượng tốt thì phải nắm rõ quy luật sinh trưởng, phát triển và biết cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, trong lúc đó đa số người dân ở khu vực nông thôn Quảng Trị về vấn đề này còn hạn chế. Chính vì vậy, Nhà trường đã bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đề án tái cơ cấu nông nghiệp, hướng về nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay đã mở 108 lớp với 3873 học viên, trong đó năm 2018 đã đào tạo nghề cho lao động vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển 23 lớp với tổng số 688 học viên theo học. Các lớp dạy nghề chủ yếu là ngắn hạn, giáo viên dạy theo nhu cầu, nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên để đạt hiệu quả cao nhất. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào sản xuất, chăn nuôi như trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su, thâm canh cà phê, trồng cây dược liệu, cây ăn quả, trồng nấm, ném, rau an toàn, nuôi gà thả vườn, nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà, nuôi lợn thâm canh, nuôi bò vỗ béo, vịt cạn, cá nước ngọt, nuôi tôm, nuôi ong lấy mật. Bên cạnh đó, đã chủ động xây dựng hơn 70 mô hình, trong mỗi lớp học có từ 1 đến 2 mô hình để thuận tiện trong công tác giảng dạy theo phương pháp bắt tay chỉ việc. Thông qua đó, trong và sau các khóa học bà con đã mạnh dạn tự tổ chức sản xuất bằng chính nghề đã được đào tạo ngay tại gia đình và địa phương mình.
Tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 9.500 lao động và đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 đến 70%. Cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị tiếp tục đầu tư xây dựng được cơ sở vật chất, trang trại thực hành và các thiết bị dạy học. Đồng thời, tiếp tục về với khu vực nông thôn, khảo sát thực tế, mở thêm các lớp dạy nghề, góp phần giúp cho bà con nông dân thay đổi nhận thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, tổ chức sản xuất chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế mang tính bền vững.

Nguồn tin: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập52
  • Hôm nay17,488
  • Tháng hiện tại98,264
  • Tổng lượt truy cập8,507,906
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây