Mở hướng du lịch sinh thái ở vùng tây Gio Linh

Thứ hai - 23/03/2020 22:41
Cùng với hệ thống giếng cổ quý báu, vùng tây Gio Linh được nhiều người biết đến là địa danh của những di tích lịch sử, văn hóa độc đáo như: Chùa Long Phước, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đồi Cồn Tiên và hệ sinh thái trù phú của vùng đất đỏ ba dan. Để khai thác tiềm năng, lợi thế này, huyện Gio Linh đã nỗ lực kết nối để hình thành tour du lịch sinh thái.
Trải nghiệm dòng nước mát chảy ra từ giếng cổ tưới tắm cánh đồng rau liệt ở xã Gio An. Ảnh: LT
Trải nghiệm dòng nước mát chảy ra từ giếng cổ tưới tắm cánh đồng rau liệt ở xã Gio An. Ảnh: LT
 
Trong chuỗi hành trình du lịch về tây Gio Linh, xã Gio An được xem là tâm điểm, bởi mảnh đất này bắt đầu hình thành nên những sản phẩm đặc trưng của du lịch sinh thái. Đến Gio An, du khách được hòa mình vào không khí trong lành của làng quê bên những vườn cây rợp bóng mát, bước trên những con đường lát đá mồ côi dẫn xuống hệ thống giếng cổ ngàn năm tuổi, được cùng gia đình ngắm hoa hướng dương, thăm vườn sâm Bố Chính và thưởng thức những món ẩm thức đặc trưng của vùng đất này…
 
Lợi ích đầu tiên khi xây dựng mô hình du lịch sinh thái là phong cảnh làng quê trở nên yên bình, đường làng, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân đã bắt đầu nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường. Theo ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, xã định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để đón đầu chủ trương kết nối tuyến du lịch tâm linh Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn với vai trò “miền giếng cổ” Gio An sẽ là điểm nhấn. Du lịch sinh thái cộng đồng mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế cho người dân. Không chỉ tạo thu nhập ổn định mà loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung đầu tư tôn tạo hệ thống giếng cổ, hình thành cảnh quan xung quanh khu vực các giếng cổ bằng hình thức tạo ra các bờ ruộng và các loại hoa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương; xây dựng các tuyến đường thôn mang đặc trưng như đường đá mồ côi xuống giếng cổ, đường chè, đường hoa… chính quyền xã Gio An cũng chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, tỉnh. Xã đã hình thành những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đi kèm xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng như rau cải, rau liệt, gà đồi, tinh bột nghệ, hồ tiêu, sâm Bố Chính…
 
Nhận thấy giá trị to lớn của hệ giếng cổ ở Gio An trong phát triển du lịch, những năm gần đây huyện Gio Linh đã huy động nhiều nguồn đầu tư để tu sửa một số giếng cổ. Mới đây UBND tỉnh có quyết định đầu tư trên 2,5 tỉ đồng để xây dựng một số hạng mục công trình phục vụ du lịch cộng đồng khu vực giếng cổ như bãi đậu xe, đường đá xuống giếng cổ, tu sửa bàu Trạng…. Huyện đã chọn thôn An Nha ở xã Gio An là thôn đầu tiên của huyện để phát triển du lịch cộng đồng, sau đó nhân rộng mô hình này ra các thôn có tiềm năng khác như: Hảo Sơn, An Hướng, Bình Sơn... Đồng thời huyện cũng định hướng kết nối sản phẩm du lịch cộng đồng ở Gio An vào tour du lịch gồm: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn- Giếng cổ Gio An - Biển Cửa Việt và Di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải. Tuyến du lịch này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch sinh thái vùng tây Gio Linh phát triển xứng tầm với giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa độc đáo trên mảnh đất này.
 
Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chỉ mới bắt đầu hình thành, nhưng mở ra hướng phát triển đầy triển vọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Gio An. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch. Giữ gìn môi trường tự nhiên, chính quyền ở đây đang định hướng và tích cực vận động người dân canh tác nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Minh chứng cho điều này, Gio An trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm thành công mô hình sản xuất và quản lý sản xuất cây hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn EC834/2007 của châu Âu và tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
 
Bây giờ, ngoài sản xuất hồ tiêu hữu cơ, các xã vùng tây Gio Linh như Hải Thái, Gio Sơn… cũng liên kết xây dựng vùng nông sản sạch với nhiều giống cây trồng có tiềm năng sản xuất theo hướng hữu cơ như cây bơ, nghệ, dong riềng, ổi… Nông nghiệp hữu cơ trở thành hướng đi tất yếu, bền vững để không chỉ đưa nông sản vùng tây Gio Linh đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và thế giới mà còn tạo môi trường trong lành để các địa phương này phát triển du lịch sinh thái, hình thành nên những miền quê đáng sống.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,857
  • Tháng hiện tại36,559
  • Tổng lượt truy cập9,586,144
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây