Ông Nguyễn Thể, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cho biết, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, từ năm 2015, HTX đã nhanh chóng thay đổi cách hoạt động để thích ứng với mô hình mới, đảm nhận 6 khâu dịch vụ không tính lãi và 4 dịch vụ kinh doanh có lãi. Cùng với ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tăng năng suất cây lúa và tập trung phát triển chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ, HTX đã khai thác lợi thế vùng gò đồi của địa phương, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp và tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, toàn HTX có 357,6 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ vậy tổng doanh thu năm 2019 vừa qua đạt hơn 8 tỉ đồng, lợi nhuận 3,2 tỉ đồng, thu nhập bình quân của một thành viên đạt 5 triệu đồng/tháng.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 284 HTX nông nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với hơn 72.523 thành viên, doanh thu bình quân 1 HTX 1 năm là 874,8 triệu đồng. Các HTX đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cánh đồng lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất cây lúa và hoa màu, phát triển cây công nghiệp, trồng rừng, nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Đáng chú ý, ngoài việc đảm nhận các khâu dịch vụ mà thành viên không lo được, nhiều nơi còn mở thêm các dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Nhiều HTX đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, thay đổi hình thức sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình hoạt động, hầu hết HTX đã bảo toàn được nguồn vốn, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho các thành viên, có nguồn tích lũy và tham gia đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh, sở cùng với các ngành chức năng phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý, quản trị cho đội ngũ cán bộ HTX. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nhất là về giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đặc biệt, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa, chất lượng tốt, hỗ trợ xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường”...
Hiện nay tỉnh đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong đó HTX đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên so với yêu cầu đề ra thì hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, một số nơi còn gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhất là có cơ chế bảo lãnh vay vốn để các HTX tiếp cận được các nguồn tín dụng. Đồng thời, tạo điều kiện cho HTX liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị.