Trong những ngày này, ngày nào bà Hoàng Thị Thúy ở Đội 4, thôn Lại An, xã Gio Mỹ cũng thu hoạch mướp để cung cấp cho thương lái. Vụ mướp năm nay, gia đình bà được tham gia vào mô hình nhân rộng CSA do Trung tâm Khuyến nông triển khai với diện tích 4 sào. Để diện tích mướp đắng được sai quả bà Thúy đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các lần tập huấn của cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình vào chăm sóc. Không dùng đến thuốc hóa học nhưng cây mướp vẫn sinh trưởng, phát triển xanh tốt. Giàn mướp được bà làm cao trên 1,5m tạo không gian thoáng đãng để cây có thể hấp thu ánh mặt trời. Đặc biệt, bà chú trọng áp dụng các kỹ thuật như bón phân hữu cơ vi sinh, sử dụng các thuốc phòng trị bệnh có nguồn gốc sinh học, áp dụng phương pháp dẫn dụ côn trùng và bắt sâu, sử dụng chế phẩm sinh học làm từ rượu, gừng, tỏi, ớt để phòng ngừa sâu bệnh cho mướp. Tận dụng từ nguồn phân chuồng nuôi bò bà thường xuyên ủ các đống ủ bằng chế phẩm trichoderma để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho vườn mướp. “Sau khi thu hoạch trong ngày, chiều tối là thương lái vào mua tận nơi. Hiện nay trung bình mỗi ngày tôi cung cấp cho thương lái khoảng 1 tạ mướp đắng. Giá bán thì tùy từng thời điểm đầu vụ hay cuối vụ, nhưng dao động trong khoảng 15.000 đến 40.000 đồng/kg. Tính ra sau khi vụ mướp kết thúc, sau khi trừ toàn bộ chi phí, mang lại cho gia đình tôi nguồn thu trên 60 triệu đồng. Lãi hơn rất nhiều nếu cùng diện tích này mà trồng các loại cây trồng khác”, bà Thúy nói.
Không chỉ bà Thúy, mà tất cả 40 hộ dân khi tham gia vào mô hình đều rất phấn khởi. Với 7ha mướp mà Trung tâm Khuyến nông triển khai đã khẳng định được hiệu quả của mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên cây mướp đắng. Đây là cơ sở để người dân áp dụng và là nơi để bà con nông dân trong vùng đến tham quan và học tập. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đắc - Giám đốc HTX Lại An, cho biết: “Mướp đắng sau khi gieo 45 - 50 ngày, bắt đầu thu hoạch lứa mướp đầu tiên, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 -5 tháng tùy theo mức độ thâm canh của nông dân. Kỹ thuật trồng và chăm sóc là yếu tố quyết định đến năng suất cây mướp đắng, do vậy dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, ban Giám đốc HTX luôn theo dõi, chủ động có những thông báo trên hệ thống truyền thanh, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điển. Trong đó chú trọng đến các biện pháp sinh học để tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng”.
Hiện nay toàn xã Gio Mỹ có trên 20 ha mướp đắng. Để mô hình trồng mướp đắng trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, thời gian qua xã Gio Mỹ đã có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Qua trao đổi, ông Trần Xuân Lộc - Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ cho biết mướp đắng là cây trồng phù hợp với vùng đất của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. “Thời gian tới, UBND xã sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ xây dựng khu vực trồng mướp đắng tập trung. Đồng thời, quy hoạch để phát triển loại cây trồng này thay thế một số cây trồng kém hiệu quả. Hiện nay UBND xã đang tiến hành các thủ tục xây dựng thương hiệu và mã vạch cho sản phẩm này”, ông Lộc cho hay.
Trong định hướng xây dựng nông thôn mới, với những mô hình phát triển nông nghiệp mới. Đây chính là cơ sở để hình thành các vùng trồng rau quả an toàn, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Với những hiệu quả của cây mướp đắng mang lại cũng như những định hướng sắp đến của các cấp chính quyền địa phương, cây mướp đắng sẽ giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, cũng như giúp xã Gio Mỹ hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.