Một số đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đã được triển khai, áp dụng rộng rãi, có hiệu quả vào sản xuất như “Giải pháp phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện Hải Lăng đến năm 2020”; “Phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Hải Lăng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”; “Giải pháp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả chủ lực”… Đã phối hợp khảo nghiệm, thử nghiệm, tuyển chọn và làm chủ công nghệ sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, đặc sản, thảo dược phù hợp với điều kiện canh tác của huyện; từng bước thay thế cơ cấu bộ giống chủ lực trong sản xuất gắn với tổ chức sản xuất theo vùng tập trung, xây dựng cánh đồng lớn, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đưa năng suất lúa bình quân hằng năm toàn huyện tăng cao, đến nay năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 62,03 tạ/ha. Bên cạnh đó, đã tích cực đưa vào sử dụng một số loại phân bón mới ứng dụng CNSH như: Lân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm EM, Bio Plan, Pro Plan, chế phẩm điều hòa sinh trưởng, chế phẩm xử lí gốc rạ, thuốc diệt chuột sinh học... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh, dịch hại, góp phần bảo vệ môi trường.
Việc ứng dụng CNSH trong phát triển chăn nuôi được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Một số ứng dụng đã đem lại hiệu quả rõ nét như: Sử dụng bình khí nitơ để kéo dài thời gian bảo quản tinh dịch bò; đã tập trung lai hóa đàn bò để cải thiện tầm vóc đàn bò cái nền, tăng trọng lượng và giá trị với giống bò lai Brahman, Droughmaster, BBB. Đến nay, toàn huyện đã có 3.351 con bò lai, đạt 69,3% tổng đàn. Những năm qua, huyện Hải Lăng đã chủ trương phát triển đàn bò lai theo hướng bán thâm canh, thâm canh quy mô hộ gia đình với 2 - 3 bò cái lai/hộ kết hợp với mô hình chuồng bò cải tiến có ngăn dự trữ rơm khô và trồng cỏ nuôi bò. Bảo tồn và phát triển những cá thể lợn nái Móng Cái có năng suất tốt vừa phát triển đàn nái lai (F1, F2), lợn nái ngoại có nguồn gốc giống từ Công ty CP (Thái Lan) và lợn siêu nạc trong chăn nuôi gia trại, trang trại.
Hiện nay, toàn huyện đã có 73 hộ có quy mô chuồng trại chăn nuôi trên 100 con lợn thịt kết hợp với nuôi nái lai, nái ngoại. Đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas, sử dụng vi sinh vật để xử lí chất thải từ việc chăn nuôi gia súc thành khí sinh học (biogas) phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 629 hầm khí biogas đang hoạt động tốt bao gồm 383 hầm làm bằng vật liệu composite, 212 hầm xây và 34 hầm bằng ni lông; bên cạnh góp phần bảo vệ môi trường, các hầm khí biogas này còn giúp tiết kiệm chi phí khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/hộ/năm. Các mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, đặc biệt là chăn nuôi gà, sử dụng chế phẩm EM từng bước được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi để khử mùi hôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Công tác lựa chọn các loại giống cây trồng vào sản xuất ở vùng gò đồi ngày càng phát huy được hiệu quả kinh tế. Đến nay hầu hết diện tích rừng trồng đã được sử dụng giống từ giâm hom, nuôi cấy mô kết hợp đầu tư thâm canh nên đã nâng cao sản lượng gỗ, chất lượng rừng trồng.
Trong lĩnh vực thủy sản đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá chình bằng lồng nhôm, cá trắm trong khung sắt bọc lưới trên sông ở các xã Hải Tân, Hải Chánh. Phát triển mạnh sản xuất cá giống tại các xã Hải Thượng và Hải Phú để chủ động cung cấp giống cho người dân trong và ngoài huyện. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm theo công nghệ vi sinh được người dân đưa vào áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Song song với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn như: Kĩ thuật trồng gừng, trồng nấm rơm, nuôi gà thả vườn, nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn, trồng rau an toàn, chế biến và bảo quản nông sản...; tổ chức các lớp tập huấn về kĩ thuật trồng trọt, an toàn sử dụng thuốc BVTV, IPM, ICM trên cây lúa, cây lạc, phòng trừ sâu bệnh cây tiêu, cao su; kĩ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản, trồng nấm trên nguyên liệu rơm rạ, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi... Các kiến thức sau khi được tập huấn, học nghề đã được các học viên áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết: Trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xác định việc áp dụng CNSH là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, tạo bước đột phá trong sản xuất, chế biến nông sản, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Theo đó, lựa chọn và ứng dụng CNSH để tiếp tục thử nghiệm, từng bước nhân rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất đối với các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của huyện. Tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ quy mô tập trung theo hướng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp. Phát triển và áp dụng CNSH phục vụ chế biến và bảo quản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón chức năng, thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh... theo hướng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để sản xuất phân bón vi sinh; bảo quản và chế biến nông sản; trong đó tập trung vào công nghệ phối trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm; chú trọng việc ứng dụng các quy trình công nghệ nuôi tiên tiến, sử dụng bể biogas, đệm lót sinh học xử lí chất thải đảm bảo môi trường cho chăn nuôi phát triển bền vững; phục hồi, du nhập, phát triển mới các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả ở các địa phương...