Gia đình anh Hồ Văn Lam, ở thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông là hộ dân tiên phong viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong năm 2019. Áp Tết Nguyên đán, chúng tôi ghé thăm căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình anh Lam dựng ở góc vườn khá rộng. Trong nhà, những vật dụng gia đình, nhiều thứ đã cũ. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, nhà còn khó khăn thế này, ra khỏi hộ nghèo thì có khó khăn hơn không, anh Lam cười rất tự tin. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào năm 1999, anh Lam lập gia đình, sống cùng mẹ già trong căn nhà này. Khi có thêm con nhỏ, cuộc sống khó khăn hơn dù hai vợ chồng quanh năm suốt tháng cần cù làm lụng trên nương rẫy. Đến năm 2003, khi được vay nguồn vốn ưu đãi, vợ chồng anh Lam đã mua bò, dê về nuôi. Có vốn, lại được cán bộ bày cho cách làm ăn, nên gia đình anh tập trung sản xuất, chăn nuôi để có hiệu quả cao. Đến nay, sau nhiều năm chăm chỉ làm lụng, gia đình anh Lam có 4 con bò, 7 con dê, 4 ha rừng tràm và 2 ha trồng sắn. “Thực ra điều kiện kinh tế gia đình tôi hiện tại cũng chưa phải là khá giả, nhưng thời gian sắp tới, khi nguồn lợi từ chăn nuôi, trồng rừng, trồng trọt mang lại, cuộc sống gia đình tôi sẽ được cải thiện hơn trước. Tương lai là rất sáng sủa. Nghĩ vậy nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường chính sách ưu đãi về hộ nghèo lại cho hộ khác trong bản còn khó khăn hơn,” anh Lam giải bày.
Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Hồ Văn Hai, người cùng thôn với anh Lam, hộ được hưởng chính sách hộ nghèo mấy năm nay. Nhờ chú tâm làm ăn và được hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn nên gia đình anh hiện đã có 4 ha rừng, 2 con bò. Thấy gia đình đã có chút vốn, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn nên anh bàn với vợ xin ra khỏi hộ nghèo. “Khi đặt vấn đề xin ra khỏi hộ nghèo, vợ chồng tôi mất ngủ mấy đêm, vì lo 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học sẽ không còn được nhận các hỗ trợ miễn giảm nữa. Nhưng nhà tôi hiện đã có rừng, có đất đai, có bò, hai vợ chồng lại có sức khỏe, luôn siêng năng, vượt khó thì chắc chắn điều kiện kinh tế sẽ khấm khá hơn trong tương lai. Nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo,” anh Hai bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, địa phương có 100% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng trong năm 2019, xã A Ngo đã giảm được 36 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 5%. Trong đó có đến 6 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Để có được những kết quả trên, địa phương đã tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất, đồng thời phát huy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân địa phương.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự thay đổi về nhận thức của mỗi người dân trong chủ động, tích cực tự mình vươn lên xóa đói giảm nghèo đã góp phần làm cho đời sống người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tếxã hội của địa phương.