Tích cực chuyển đổi sinh kế cho người dân

Thứ ba - 02/05/2017 21:25
Thời gian qua, tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước và phát huy nội lực, xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) đã tích cực thực hiện chuyển đổi sinh kế, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Nhiều hộ dân ở xã Hải Khê, Hải Lăng đầu tư mô hình chăn nuôi lợn với quy mô trên 50 con/lứa
Nhiều hộ dân ở xã Hải Khê, Hải Lăng đầu tư mô hình chăn nuôi lợn với quy mô trên 50 con/lứa

Hải Khê là xã biển bãi ngang, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề biển. Vì vậy sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, nhiều hộ gia đình tại địa phương đột ngột mất đi sinh kế truyền thống, rơi vào khó khăn. Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, được sự hỗ trợ tích cực bằng nhiều hình thức của nhà nước, các ban, ngành cấp trên, xã Hải Khê đã từng bước thực hiện chuyển đổi sinh kế, ngành nghề để giúp người dân vượt qua khó khăn. Hơn một năm sau sự cố môi trường biển, cuộc sống của người dân xã Hải Khê bây giờ đã dần ổn định trở lại. Toàn xã có 327 chiếc thuyền (trong đó có 263 thuyền gắn máy) với 750 lao động biển.

 

Đến thời điểm này hầu hết các thuyền đã trở lại biển đánh bắt hải sản. Ngư dân cũng đã có thu nhập trở lại từ nghề biển. Đó là tín hiệu vui để người dân tiếp tục vươn khơi, yên tâm đánh bắt để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mặt khác, sau sự cố môi trường biển, xã Hải Khê đã tích cực hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ngành nghề nhằm đa dạng hóa các loại hình kinh tế. “Nghề biển là nghề chính của người dân nên lâu nay người dân địa phương vẫn chưa chú trọng đến trồng trọt, chăn nuôi. Bởi vậy có thế nói, sau sự cố vừa qua thì việc thực hiện chuyển đổi sinh kế cũng là hướng đi cần thiết nhằm không quá phụ thuộc vào ngư nghiệp.

 

Ngoài ra, việc chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp, ngành nghề cũng nhằm tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của địa phương vốn lâu nay chưa được khai thác”, anh Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết. Xã Hải Khê có tổng diện tích đất tự nhiên 842,32 ha, trong đó đất nông nghiệp là 648,45 ha, đất phi nông nghiệp 80,79 ha, đất chưa sử dụng 113,08 ha. Diện tích đất chưa sử dụng của xã còn khá lớn và có thể khai thác để phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Những năm qua, bên cạnh nghề biển, người dân xã Hải Khê cũng đã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa màu và nuôi trồng thủy sản.

 

Toàn xã có 46 hộ chăn nuôi bò với tổng số 295 con; 80 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn hàng năm khoảng 5.000 con, trong đó có 307 lợn nái sinh sản; 55 hộ chăn nuôi gia cầm quy mô từ 50 con trở lên (tổng đàn 5.000 con); 3 hộ nuôi dê với khoảng 45 con. Về nuôi trồng thủy sản, toàn xã có 20 ha nuôi, chủ yếu là nuôi tôm. Ngoài ra, toàn xã có 10,7 ha canh tác nông nghiệp với các loại cây trồng chủ yếu như: Khoai, ném, dưa hấu, ớt, các loại rau màu. Ngoài diện tích đất chưa sử dụng, thì ở 2 thôn Trung An và Thâm Khê vẫn còn hơn 9,3 ha đất trước đây người dân trồng màu đã bỏ hoang nhiều năm.

 

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã giai đoạn 2016-2020, UBND xã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ngành nghề, cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã giai đoạn 2016-2017. Theo đó, Ban chỉ đạo xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho từng hộ gia đình nắm bắt và hiểu rõ chính sách để đăng ký thực hiện. Công tác chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho người dân chăn nuôi, trồng trọt đã được thực hiện tích cực. UBND xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật trồng ném, lạc cho 40 hộ và 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn cho 60 hộ do trạm Thú y huyện tổ chức tại xã. Hội Nông dân xã đăng ký với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện mở 1 lớp học nghề trồng ném tại xã cho 22 hộ. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều hộ dân đã áp dụng có hiệu quả vào canh tác thực tế.

 

Từ nguồn vốn hỗ trợ theo kế hoạch 449/ KH-UBND của UBND huyện, xã đã hỗ trợ các hộ xây dựng mô hình chăn nuôi trong khu dân cư. Cụ thể, có 73 hộ được hỗ trợ đã hoàn thành xây dựng mô hình chăn nuôi lợn và trồng ném, nuôi cá (có 48 hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, 2 hộ nuôi cá trong bể, 5 mô hình nuôi bò và 18 hộ trồng ném). Trong đợt 1 đã hỗ trợ 17 mô hình; đợt 2 hỗ trợ 56 mô hình với tổng kinh phí 2 đợt là hơn 470 triệu đồng. Ngoài ra, UBND xã phối hợp với UBMT xã thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái gồm 10 hộ, với quy mô 5 con lợn nái kết hợp với làm lồng khung cho lợn nái sinh sản đảm bảo theo quy định và đã được nghiệm thu hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình từ nguồn vốn của UBMTTQVN tỉnh. Trước đó, đã có 5 hỗ được hỗ trợ xây chuồng mới, vốn mua 2 con bò/mô hình để phát triển nuôi bò nhốt.

 

Hiện nay xã cũng đang triển khai xây dựng khu chăn nuôi tập trung với diện tích 10 ha bao gồm các hạng mục: Hệ thống giao thông: 420 m; hệ thống điện: 420 m, với nguồn kinh phí 900 triệu đồng (từ chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững). Hiện công tác san ủi mặt bằng, đổ đường bê tông và kéo đường dây điện lên khu chăn nuôi tập trung đang được thực hiện khẩn trương. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành sẽ tiến hành phân lô, cấp đất cho các hộ làm trang trại chăn nuôi có nhu cầu, trong đó giai đoạn 1 ưu tiên phân 15 lô (2.500m/lô) cho 15 hộ đăng ký đầu tiên. Anh Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết, thực hiện kế hoạch năm 2017, xã đang triển khai hỗ trợ kinh phí cho các mô hình với tổng số vốn là 630 triệu. Trong đó bố trí 130 triệu đồng từ nguồn vốn nông thôn mới để xây dựng 8 mô hình trình diễn chăn nuôi lợn quy mô từ 30 con trở lên tại khu chăn nuôi tập trung.

 

Dự kiến, từ nguồn vốn trên sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi lên khu tập trung, với mức 15 triệu đồng/mô hình. Bố trí 200 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ cho các xã vùng biển xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt năm 2016 sang năm 2017 của huyện để hỗ trợ cho 2 mô hình đăng ký dự án nuôi lợn kết hợp chăn nuôi bò. Bố trí 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã khó khăn bãi ngang ven biển để khuyến khích các mô hình xây dựng tại khu chăn nuôi tập trung. Bên cạnh tiếp tục khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản và đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thời gian qua người dân xã Hải Khê cũng đã đầu tư kinh doanh, buôn bán các dịch vụ như: Kinh doanh hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, thực phẩm tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi gia cầm, thủy sản, dịch vụ ăn uống, thu mua hải sản...

 

Tác giả bài viết: Hiếu Giang

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay14,006
  • Tháng hiện tại41,735
  • Tổng lượt truy cập8,451,377
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây