Từ năm 2006, tỉnh đã đưa ứng dụng công nghệ vi sinh vào nuôi trồng thủy sản nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất các loại giống thủy sản. Đến năm 2009, một số chế phẩm sinh học như: EM, Pondplus, PondDtox… được sử dụng để xử lý nước trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng cũng ở quy mô nhỏ. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường nước loại trừ các mầm bệnh bằng quá trình cạnh tranh đang được sử dụng là một giải pháp tích cực thay thế có hiệu quả việc dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh cho đối tượng thủy sản nuôi. Hiện phương pháp này được ứng dụng rộng rãi để kiểm soát mầm bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt có nhiều loại chế phẩm sinh học được sử dụng thường xuyên trong ao nuôi nhằm cải thiện môi trường nước, duy trì ổn định độ pH và độ kiềm, tăng sức đề kháng, tạo điều kiện cho thủy sản phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Anh Hoàng Xuân Lộc, ở thôn Xuân Hòa, Trung Hải, Gio Linh nuôi 8 sào tôm. Những năm trước đây anh sử dụng nhiều hóa chất để xử lý ao nuôi tốn kém chi phí nhưng dịch bệnh trên tôm vẫn thỉnh thoảng xảy ra nên hiệu quả nuôi tôm của anh không cao. Sau khi được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý ao nuôi, 2 vụ gần đây anh Lộc chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao và môi trường nước trước khi đưa vào nuôi. Trong quá trình nuôi, anh Lộc dùng thường xuyên chế phẩm sinh học nên tôm nuôi phát triển tốt và cơ bản không có dịch bệnh xảy ra. Anh Lộc cho biết: “Gia đình tôi sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm mang lại hiệu quả tốt. Tôm nuôi nhanh lớn, ít dịch bệnh, an toàn và hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây. Chi phí cho nuôi tôm cũng giảm xuống do khỏi phải mua thuốc, hóa chất. Gia đình tôi an tâm khi sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm”.
Hiện nay, với yêu cầu vượt qua “hàng rào kỹ thuật” nghiêm ngặt, đặc biệt là trong dư lượng thuốc kháng sinh của các nước nhập khẩu tôm từ Việt Nam, các ngành chức năng tăng cường giám sát nên người nuôi tôm cũng hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Vì vậy, sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản là điều tất yếu và đã được triển khai có hiệu quả. Ở tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, cá đã được người dân bắt đầu có ý thức sử dụng. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Quảng Trị cũng đã sản xuất thành công các chế phẩm sinh học phục vụ nhu cầu của nông dân để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản.
Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh đã tiến hành thử nghiệm chế phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản Nitro- QTMIC ở các vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh bước đầu nhận được sự phản hồi tích cực về hiệu quả sử dụng sản phẩm. Chế phẩm Nitro- QTMIC là tổ hợp các chủng vi sinh vật có chức năng phân giải mạnh chất hữu cơ, sinh chất kháng sinh, chất ức chế và tiêu diệt vi sinh vật có hại. Chế phẩm Nitro- QTMIC có tác dụng cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi, làm tăng khả năng sống cũng như sản lượng tôm nuôi. Quá trình hoạt động của chủng vi sinh vật có lợi giúp chuyển hóa các chất gây độc cho tôm, cá trong ao nuôi sang dạng không độc. Anh Lê Mậu Bình, Phó Trưởng phòng công nghệ sinh học và chuyển giao tiến bộ KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị cho biết: “Đến nay, trung tâm đã làm chủ được công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ xử lý ao nuôi thủy sản đạt kết quả tốt, tạo ra môi trường sản xuất an toàn. Chế phẩm sinh học do trung tâm sản xuất NitroQTMIC đã đưa ra bán trên thị trường và được nông dân sử dụng nhiều trong nuôi trồng thủy sản. Chế phẩm này được công bố hợp chuẩn theo TCCS, đã đăng ký vào danh mục được phép lưu hành của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hiện nay, chế phẩm vi sinh Nitro- QTMIC được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản ở các xã Triệu An, huyện Triệu Phong; Trung Giang, Trung Hải, huyện Gio Linh; Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh”.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản là bổ sung thêm các loại vi khuẩn có lợi được lựa chọn để loại trừ các vi khuẩn có hại nên thành phần các loại vi khuẩn trong ao nuôi có thể được thay đổi. Đây là một giải pháp hiện được ứng dụng rộng rãi trong việc kiểm soát mầm bệnh trong nuôi trồng thủy sản, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường, mang đến sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học nhằm tiến tới chuyển giao, nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn