Trước tình hình biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng phức tạp và khó lượng, Sở NN & PTNT Quảng Trị đã chủ động triển khai các giải pháp để vừa thích ứng vừa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đối với cây lúa, trong vụ Đông Xuân 2017-2018 đã triển khai nhân rộng mô hình thâm canh ở nhiều nơi trong tỉnh và kết quả cho thấy mang lại hiệu quả về nhiều mặt.
Sau khi đi tham quan, học hỏi ở một số nơi trong tỉnh, vụ Đông Xuân 2017-20+8, HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng mô hình thâm canh cây lúa. Trên diện tích hơn 16 ha liền vùng, liền thửa, 56 hộ tham gia mô hình đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào khâu làm đất, xử lý hạt giống, sạ hàng cho đến chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch hại. Do đó cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và qua thăm đồng cho thấy, tuy mới sản xuất vụ đầu tiên nhưng không chỉ năng suất dự ước đạt khoảng 60,7 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 3,9 tạ/ha mà sản xuất theo mô hình này giảm được chi phí và lợi nhuận mang lại cao hơn ruộng đại trà khoảng 4,7 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Bá Thọ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh nói với chúng tôi rằng: Khi triển khai mô hình, các hộ gia đình cũng không ít băn khoăn, lo lắng nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên bà con đã tham gia. Điều mà người dân rất phấn khởi là với phương pháp sạ hàng 1 ha vừa giảm được lượng giống khoảng 30 kg, tiết kiệm được hơn 650.000 vừa thuận tiện trong làm cỏ, chăm sóc, mặt khác mật độ không dày như trước đây nên giảm được sâu bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã giảm được số lần phun thuốc trên đồng ruộng, giảm chi phí mua thuốc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Còn ở huyện Gio Linh, bà Lê Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ cho biết: Được sự hỗ trợ của dự án WB7, từ vụ đông xuân 2016-2017, xã đã chọn lựa và chỉ đạo HTX Phước Thị triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa với diện tích ban đầu 24 ha và hiện nay đã mở rộng lên 64 ha. Quá trình thực hiện cho thấy: Trước đây, canh tác theo truyền thống, hầu hết các hộ gia đình đều lạm dụng phân bón vô cơ, làm cho đất ngày càng bị thoái hóa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, vừa tốn chi phí vừa gây ra ô nhiễm môi trường. Mặt khác trên đồng ruộng dùng nhiều loại giống khác nhau và tưới tiêu không chủ động nên năng suất không cao, có hộ sử dụng giống dài ngày khi thu hoạch thường gặp lũ tiểu mãn vụ đông xuân và lũ cuối vụ hè thu. Bây giờ thực hiện theo mô hình này, trên cùng 1 chân ruộng, tất cả các hộ đều sử dụng một loại giống lúa mới ngắn và trung ngày có năng suất, chất lượng tốt, áp dụng công cụ sạ hàng thay cho sạ lan, bón phân cân đối, nặng đầu vụ và nhẹ vào cuối vụ, tăng cường bón vôi, phân chuồng và phân hữu cơ vi sinh. Qua 3 vụ sản xuất các hộ tham gia sản xuất nhàn hơn rất nhiều so với trước đây, giảm được các loại chi phí, nhất là giảm thuốc trừ sâu bảo vệ sức khỏe và hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt năng suất sản lượng tăng khoảng 20% so với ruộng đại trà, hiệu quả tăng so với đại trà là 4,4 triệu đồng/ha ở vụ đông xuân và 7,1 triệu đồng ở vụ hè thu. Quảng Trị là một trong những địa phương bị những tác động lớn của biến đổi khí hậu. Đứng trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo trong sản xuất nông nghiệp cần phải tìm ra các giải pháp để vừa thích ứng vừa nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới WB7, thời gian vừa qua, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó với với hợp phần “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu”, cùng với nâng cấp, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi La Ngà và Trúc Kinh - Hà Thượng, nâng cao năng lực tưới tiêu, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đã chọn lựa một số địa phương ở 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà triển khai mô hình thâm canh cây lúa và cây lạc, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong đó, đối với cây lúa, từ vụ Đông Xuân 2016-2017, Chi cục đã đầu tư kinh phí xây dựng đường giao thông nội đồng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ 100% giống, chế phẩm vi sinh, công cụ sạ hàng, 30% phân bón và mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tại 6 HTX với diện tích 110 ha. Sau 2 vụ thử nghiệm thành công, vụ Đông Xuân 2017-2018, Chi cục đã nhân rộng ở 15 HTX với diện tích 360 ha và hiện tại nhiều nơi đã xuống đồng thu hoạch, năng suất bình quân dự ước hơn 60 tạ/ha. Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Trị nhấn mạnh: Bám sát mục tiêu của Dự án này, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp cải thiện đáng kể hệ thống nông nghiệp có tưới trong điều kiện thiếu nước sản xuất trầm trọng, giúp nông dân sản xuất thuận lợi hơn, mức đầu tư ít hơn nhưng năng suất lại cao hơn. Đặc biệt với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhất là sử dụng phân vi sinh, chế phẩm sinh học đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay Sở NN & PTNT đang tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và sẽ chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ cho các HTX trong toàn tỉnh nhân rộng mô hình thậm canh cây lúa, nhất là giúp cho người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, sản xuất đạt hiệu quả, đem lại thu nhập cao và mang tính bền vững.