Trong đó đáng chú ý là đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Khắc Sách, người dân ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng nói với chúng tôi rằng: Ở vùng gò đồi, ngoài việc trồng rừng và chăn nuôi trâu bò, trong khuôn viên gia đình có diện tích đất vườn khá lớn nhưng lâu nay gia đình ông chủ yếu trồng khoai sắn, hiệu quả kinh tế rất thấp. Đầu tháng 8 năm 2017, khi được Hội nông dân xã tuyên truyền, vận động, ông đã tham gia Tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và xã tổ chức, được hỗ trợ 50 kg sinh khối giun quế và một gói men vi sinh để làm đệm lót sinh học, ông đã cải tạo lại vườn, quy hoạch, xây bể nuôi giun quế, làm chuồng trại, mua lưới về nuôi thử 50 con gà giống Ai Cập, sau đó tăng dần và hiện tại đàn gà tăng lên hơn 1000 con, mang lại thu nhập khá cao.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững về kỹ thuật và cung ứng một số vật tư, 18 hộ gia đình ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã tự nguyện thành lập Tổ hợp tác, liên kết, hỗ trợ, giúp nhau nuôi gà an toàn sinh học. Dưới sự điều hành của Ban quản lý, các thành viên khi tham gia mô hình này cam kết chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Ngoài việc chọn nguồn giống tốt, sử dụng đệm lót sinh học, khẩu phần thức ăn của gà chỉ dùng lúa, ngô bột cám gạo, bổ sung thêm giun quế với một lượng phù hợp, tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng công tác chăm sóc và tiêm phòng nên gà tăng trọng nhanh, đối với gà sinh sản đẻ nhiều trứng hơn, sản phẩm đảm bảo chất lượng, bán được giá, tạo được nguồn thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Hữu Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vừa là Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Nuôi gà theo hướng thả vườn, an toàn sinh học không khó nhưng vấn đề quan trọng là phải thay đổi tư duy. Trong đó, cần ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng chế phẩm sinh học, mức đầu tư rất thấp nhưng đảm bảo an toàn dịch bệnh, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao và quan trọng hơn là vấn đề môi trường được giải quyết một cách cơ bản. Đặc biệt, đối với giun quế có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên phải biết cách pha trộn với các loại ngũ cốc với tỷ lệ cân đối và chỉ cho gà ăn 2 lần/tuần, trong đó lượng thức ăn cho gà ăn đêm nhiều hơn ban ngày vì gà sẽ hấp thụ tốt. Tuy mới triển khai 1 năm nhưng cho thấy, các hộ gia đình đều có thu nhập ổn định, tính ra nếu nuôi 400 đến 500 con, mỗi năm thu về hơn 50 triệu đồng tiền lãi.
Xây dựng bể nuôi giun quế
Thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà an toàn sinh học là mô hình phát triển mang tính bền vững, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo ra chuỗi giá trị cao hơn so với nuôi gà mang tính truyền thống mà quan trọng hơn là thu nhập bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình này rất phù hợp, nhất là hiện nay nhiều gia đình tập trung cải tạo vườn tập nhưng đang băn khoăn chưa biết lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi nào cho phù hợp. Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện Hải Lăng chỉ đạo sơ kết, rút kinh nghiệm, có các biện pháp hỗ trợ cho Tổ hợp tác phát triển với quy mô lớn hơn cũng như tạo điều kiện cho hội viên nông dân trên địa bàn đến tham quan, học tập, thành lập thêm 1 số Tổ hợp tác nhân rộng mô hình.