Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích tự nhiên 115.235 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 92.240 ha, chiếm 80% diện tích đất tự nhiên. Dân số đến cuối năm 2017 có 86.355 người, có 3 dân tộc chính: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô cùng sinh sống. Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 26-NQ/TW, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, tinh bột sắn, phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Giá trị sản xuất ngành nông- lâm nghiệp của huyện năm 2008 đạt 593 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 6,9%, đến năm 2017 tăng lên 1.265 tỷ đồng, tăng bình quân 8,8%, chiếm tỷ trọng 10,76% trong cơ cấu nền kinh tế. Nông nghiệp phát triển đúng quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội cũng như quy hoạch của ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khai thác tài nguyên đất sẵn có phù hợp với điều kiện khí hậu của 3 vùng sinh thái, đem lại hiệu quả cao trong đầu tư.
Tổng diện tích gieo trồng bình quân hằng năm đạt 10.000 ha, trong đó diện tích một số cây trồng chủ lực tăng: Cà phê tăng từ 4.093 ha năm 2008 lên 5.318 ha năm 2017, tăng bình quân 2,6%/năm; sản lượng cà phê nhân đạt từ 5.869 tấn tăng lên 7.060 tấn, tăng 2,1%/năm. Cây cao su 371 ha năm 2008 tăng lên 1.974 ha năm 2017, tăng 12,6%. Sắn nguyên liệu từ 3.867 ha năm 2008 tăng lên 5.080 ha năm 2017, tăng 3,1%. Cây ăn quả từ 2.108 ha năm 2008 tăng lên 4.065 ha năm 2017, tăng 7,6%, trong đó riêng cây chuối có diện tích 3.734 ha, sản lượng từ 16.120 tấn năm 2008 tăng lên 55.967 tấn, tăng bình quân hằng năm 14,8%. Diện tích cây lương thực có hạt giảm từ 4.061 ha năm 2008 xuống còn 3.315 ha năm 2017, nhưng sản lượng tăng từ 8.792 tấn lên 8.823 tấn. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 40,2% năm 2008 tăng lên 44,4% năm 2017. Hằng năm, diện tích trồng rừng bình quân từ 450- 500 ha, đưa giá trị ngành lâm nghiệp đạt 17 tỷ đồng năm 2017, tăng 2,9% so với năm 2008. Chăn nuôi có bước phát triển, đã áp dụng khoa học kỹ thuật lai sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, mang lại hiệu quả kinh tế cao….
Nhìn chung, so với năm 2008, đến nay diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng, chăn nuôi phát triển ổn định, cây trồng vật nuôi ngày càng đa dạng hóa. Công tác xây dựng các mô hình sản xuất, các trạng trại, tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn chuyển biến mạnh mẽ theo hướng liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết đầu ra cho nông sản.
Từ xuất phát điểm thấp của huyện miền núi trong xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 1,35 tiêu chí/xã năm 2011, trong đó có 6 xã không đạt tiêu chí nào, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hướng Hóa đã đạt kết quả to lớn, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực trong nhân dân thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đạt tiêu chí bình quân 11,5 tiêu chí/xã.
Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới’ gắn với các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và từng đoàn thể chính trị- xã hội được phát động sâu rộng trong toàn huyện, từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng thay đổi. Kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, chợ, trường học, thiết chế văn hóa… trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư đồng bộ, giai đoạn 2011- 2015 đạt 363 tỷ đồng, giai đoạn 2015- 2017 đạt 513 tỷ đồng. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn phát triển đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp, thương mại- dịch vụ của huyện nói chung và khu vực nông thôn nói riêng từ 824 tỷ đồng năm 2008 tăng lên 5.832 tỷ đồng năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện từ 12,7 triệu đồng/năm tăng lên 32,3 triệu đồng năm 2017. Kinh tế tăng trưởng khá, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn cải thiện rõ rệt. Bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,45%. Tính riêng khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2011-2015 giảm 3,13%, giai đoạn 2016- 2017 giảm 3,66%/năm.
Thông qua thực hiện chương trình xây dựng nông mới đã từng bước gắn quy hoạch phát triển nông nghiệp với quy hoạch nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phát triện kinh tế nông thôn. Nhờ đó, nông nghiệp Hướng Hóa ngày càng phát triển, nông thôn mới khởi sắc.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn