Bài 2: Cần chiến lược đầu tư bài bản Hình 3: Du khách tham quan Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Việc tham gia một cách chủ động, trực tiếp và có ý thức của người dân vào các mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian qua đã làm sinh động thêm bức tranh du lịch của nhiều địa phương. Song, đó mới chỉ là bước khởi đầu, muốn du lịch cộng đồng thật sự bền vững, các cấp chính quyền cần tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ về mô hình này trên địa bàn, từ đó xây dựng quy hoạch và có các chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý, đầy đủ hơn. |
Hoạt động còn mang tính tự phát Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh xuất hiện muộn hơn so với một số nơi khác. Năm 2011, với sự ra đời của mô hình Phong Nha Farmstay tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đã thu hút đông đảo khách nước ngoài đến lưu trú, nghỉ ngơi, từ đó các mô hình homestay và farmstay bắt đầu phát triển tại khu vực Phong Nha, TP Đồng Hới và xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở homestay và farmstay, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực Phong Nha và các xã lân cận. Nếu trước đây, nhiều người ở các xã Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch… sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng thì nay đã có nghề mới, nghề làm dịch vụ du lịch. Nghề này đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng di sản. Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch Nguyễn Công Trứ chia sẻ: Từ mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của Hồ Khanh đến nay, toàn xã có 35 homestay và farmstay, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của xã được chuyển dịch tích cực từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, người dân càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động du lịch như chèo thuyền đưa khách đi thăm hang động, làm porter cho các tour du lịch mạo hiểm, thợ chụp ảnh, lái xe, nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch. Các xã có mô hình du lịch cộng đồng phát triển đều là vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhưng bù lại phong cảnh tuyệt đẹp và mang tính tự nhiên cao, ít có sự làm mới. Đây là điều mấu chốt để thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm và nhờ vậy, homestay có “đất” để phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Bình chủ yếu vẫn mang tính tự phát, chưa trở thành phong trào hay chương trình có quy hoạch cụ thể cho nên còn những hạn chế đáng kể. Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình Trần Xuân Cương đánh giá: Hiện nay, các homestay và farmstay trên địa bàn tỉnh thực ra mới chỉ là điểm lưu trú và phục vụ dịch vụ ăn uống, còn đối với du lịch khám phá trải nghiệm thì vẫn phải đăng ký ở các đơn vị bên ngoài. Vì vậy, chất lượng dịch vụ chưa cao. Về lâu dài, với tình trạng phát triển tự phát nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp như hiện nay, các homestay và farmstay khó có thể phát triển bền vững. Chưa kể, hiện nay, những nông dân làm du lịch còn thiếu hụt về kiến thức, ngoại ngữ và cách quảng bá bài bản; sự kết nối giữa mô hình du lịch cộng đồng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các làng nghề để tạo tua tuyến phục vụ khách cũng chưa được thường xuyên và chuyên nghiệp. Khác với Quảng Bình, tại Hà Tĩnh, việc phát triển du lịch cộng đồng tại những khu nông thôn mới kiểu mẫu lại vấp phải những khó khăn riêng. Là một trong những hộ dân được đánh giá cao về điều kiện cơ sở vật chất lưu trú để đón tiếp du khách, điều anh Nguyễn Mạnh Tuấn (thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) băn khoăn nhất chính là hiệu quả kinh tế mang lại từ loại hình du lịch mới này. Theo anh Tuấn, sau khi hoàn thành xong việc sửa sang nhà cửa, vườn tược, gia đình anh trở thành điểm đến thường xuyên của các đoàn du khách khi về Tiên Điền nhưng lượng khách lưu trú lại vô cùng hiếm. Theo đánh giá của người trong cuộc, việc chưa thu hút được đông đảo khách nghỉ lại là do sự đơn điệu của các loại ngành nghề sản xuất ở địa phương cho nên hầu hết các homestay hiện thời chỉ đáp ứng được nhu cầu là điểm dừng chân, nghỉ ngơi; còn nhu cầu khám phá, trải nghiệm đời sống sản xuất của người dân lao động gần như chưa thể đáp ứng. Về các sản phẩm văn hóa, văn nghệ phục vụ du khách cũng chưa thường xuyên và thiếu chuyên nghiệp. Theo Phó Chủ tịch HĐND, kiêm Đội trưởng Văn nghệ dân gian xã Tiên Điền Trần Đức Bình, hiện nay đội văn nghệ dân gian xã đang hoạt động dưới hình thức phong trào, các thành viên gắn kết với nhau chủ yếu dựa vào niềm đam mê, địa phương chưa có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào đối với các thành viên. Thành ra, muốn có sự ràng buộc, tính chuyên nghiệp trong công tác biểu diễn, phục vụ du khách là rất khó. Theo ông Bình, các đoàn khách muốn thưởng thức văn nghệ mà không đăng ký trước sẽ khó bố trí biểu diễn được vì chưa hình thành đội chuyên nghiệp mà phải tập hợp người dân trong làng xã. Cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền Trước những hạn chế trong phát triển du lịch cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Lê Thế Lực cho rằng: Mô hình du lịch cộng đồng hiện chưa có quy hoạch và định hướng phát triển theo hướng bền vững, mới dừng lại ở mức độ tự phát, người sau nhìn người trước để mở homestay trong khi thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ cho nên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch chưa được chú trọng đầu tư và thiếu đồng bộ; tình trạng mất điện, thiếu nước sạch thường xảy ra đã ảnh hưởng đến việc lưu trú của du khách, nhất là khách nước ngoài. Chính vì vậy, để mở rộng, phát huy hiệu quả loại hình du lịch này, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Tại Quảng Bình, năm 2017, huyện Bố Trạch đã hỗ trợ 15 triệu đồng cho một homestay xây mới. Tuy nhiên đây mới chỉ là số tiền mang tính động viên. Vì thực tế việc xây dựng một homestay đúng nghĩa thì cần số vốn tương đối lớn. Chưa kể người dân cần được tập huấn về kỹ năng đón, tiếp khách du lịch, chế biến các món ăn và cách giới thiệu về ẩm thực địa phương… Tất cả những kỹ năng mềm đó đòi hỏi phải có thời gian nhưng nếu chúng ta không có lộ trình từng bước thực hiện với các khóa đào tạo bài bản thì rất khó thành công. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh Lê Trần Sáng cho rằng: Đây cũng chính là khó khăn chung của các địa phương trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại nông thôn. Như trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện chưa có mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng thật sự bài bản nào, mọi thứ đang rất mới mẻ, vừa làm vừa học. Sự hỗ trợ về tài chính của địa phương còn hạn chế, mới chỉ ở mức động viên chứ chưa mang tính thúc đẩy. Vì vậy, sắp tới tỉnh cần xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản, có giải pháp biến các thế mạnh văn hóa của địa phương thành các sản phẩm du lịch cụ thể. Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng đến mỗi người dân gắn với việc khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các đơn vị có khả năng điều hành, tổ chức hoạt động du lịch này. Trao đổi về những vấn đề nêu trên, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Tất Thắng nhấn mạnh: Du lịch là một hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là ngành nghề quá mới mẻ đối với hầu hết nông dân cho nên không thể đòi hỏi sự quy mô và hoạt động trơn tru ngay lập tức. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại nhiều tỉnh miền trung thì đây là một hướng đi có nhiều tiềm năng và có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho khu vực nông thôn. Chính vì vậy, điều cần nhất là có sự đồng tâm, đồng lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc quy hoạch và phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, xã… Điều này khi gắn kết cùng Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm chắc chắn sẽ còn đem lại những hiệu ứng kinh tế đáng kể, góp phần quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Cùng với xu hướng phát triển chung của các loại hình du lịch, du lịch cộng đồng tại nông thôn đang ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách cả trong nước và ngoài nước. Và, tận dụng cơ hội này để chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân cũng là một hướng đi bền vững trong xây dựng nông thôn mới./. |
Nguồn tin: nongthonmoi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn