Đột phá từ những cây trồng mới ở Cam Lộ

Thứ tư - 19/12/2018 03:10
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, giai đoạn 2016-2020”, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Cam Lộ đã chú trọng và khuyến khích đưa vào sản xuất các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập và làm giàu cho nông dân
Mô hình sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ
Mô hình sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ

Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Cam Lộ tập trung chỉ đạo quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai thí điểm các cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện Cam Lộ đã chuyển đổi một số mô hình hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích trên 350 ha, gồm: Chuyển đổi đất trồng rừng sản xuất, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng hơn 82 ha dứa nguyên liệu; 161 ha cây dược liệu và thực phẩm chức năng; cải tạo vườn tạp đưa vào trồng mới hơn 97 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 17 ha ớt... Trong đó, mô hình trồng dứa nguyên liệu liên kết với Công ty Cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao doanh thu khoảng 112 triệu đồng/ha từ bán dứa quả và chồi giống, có hộ như Nguyễn Văn Phước ở xã Cam Thanh với diện tích 6 ha, thu hoạch riêng dứa quả đợt 1 doanh thu trên 110 triệu đồng/ha, thu lãi 40-50 triệu đồng/ha.

 

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt do Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Thiên An không thu mua ớt quả cho người dân như đã cam kết, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sản lượng ớt thu hoạch, nên việc nhân rộng khó khăn. Tuy nhiên, sau khi có sự vào cuộc của hệ thống chính trị đồng hành thu mua ớt giúp người dân thì doanh thu ớt đạt 862 triệu đồng, tương đương 50 triệu đồng/ha. Các mô hình trồng cây ăn quả, như: Quýt PQ1; cam Vân Du; cam Xã Đoài, bưởi da xanh, ổi Đài Loan... đã cho lứa quả đầu tiên, riêng cây ổi Đài Loan đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế tương đối khá. Đối với mô hình trồng cây dược liệu và thực phẩm chức năng, cây cà gai leo diện tích 7,9 ha, mỗi năm thu hoạch 2-3 lứa, năng suất khô đạt 20-24 tạ/ha/năm, thu nhập 160-190 triệu đồng/ha; lãi 100- 130 triệu đồng/ha; cây chè vằng diện tích 47,5 ha, mỗi năm thu hoạch 2-3 lứa, thu nhập từ 80-200 triệu đồng/ha/năm; cây nghệ diện tích 103 ha, năng suất đạt 90 tạ/ha; giá bán 15 triệu đồng/tấn, doanh thu 135 triệu đồng/ha; cây sắn dây diện tích 2,75 ha, năng suất đạt 100kg/ụ, tương đương 500 tạ/ha, giá bán sắn củ tươi giao động từ 10.000-15.000 đồng/ kg, thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha...

 

Hiện nay, các loại cây dược liệu và thực phẩm chức năng như chè vằng, cà gai leo, nghệ đều có cơ sở chế biến trên địa bàn thu mua bao tiêu sản phẩm nguyên liệu, cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, huyện đang thử nghiệm đưa vào trồng, nhân rộng một số cây dược liệu mới như trạch tả, bạch chỉ, ngưu tất... Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển khoa học - công nghệ và các nguồn vốn lồng ghép khác, huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư phát triển cây dược liệu phù hợp với thực tế của địa phương.

 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh, cho biết: “Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đang ngày càng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài các cây trồng chủ lực như cao su, hồ tiêu, lạc, lúa chất lượng cao, gỗ nguyên liệu..., huyện đang chú trọng phát triển các loại cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn. Quá trình triển khai thực hiện, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, nghệ, trạch tả, ngưu tất, bạch chỉ..., đang mở hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao với những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt. Lãnh đạo huyện cũng đã chủ động mời gọi, tìm các doanh nghiệp để liên doanh, liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất”.

 

Có thể nói, việc triển khai thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020”, với phương châm hành động “sâu sát, toàn diện, quyết liệt, hiệu quả”, đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của huyện Cam Lộ cho thấy định hướng chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển biến theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ, nhất là thử nghiệm một số mô hình liên kết 4 nhà, hình thành chuỗi giá trị mang lại kết quả tốt như trồng dứa, trồng cây dược liệu; giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích tăng; nông thôn mới phát triển bền vững, ngày càng khởi sắc.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,281
  • Tổng lượt truy cập9,580,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây