Chuyện ghi ở thôn trắng hộ nghèo

Thứ tư - 13/03/2019 23:16
Cuối năm 2018, thôn Đâu Bình 1, xã Cam Tuyền (Cam Lộ) chính thức xóa hết hộ nghèo, trở thành thôn đầu tiên tại xã Cam Tuyền “trắng” hộ nghèo. Sau tròn 30 năm tái lập tỉnh, mảnh đất này đã thực sự “thay da đổi thịt” nhờ sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của mỗi người dân nơi đây.
Diện tích cây chè vằng của gia đình ông Trần Văn Thán dự kiến thu hoạch vào tháng 6/2019​
Diện tích cây chè vằng của gia đình ông Trần Văn Thán dự kiến thu hoạch vào tháng 6/2019​

Từ quyết tâm làm giàu của người dân...

 

Niềm nở đón chúng tôi thăm ngôi nhà khang trang nằm ở cuối thôn Đâu Bình 1, trong cuộc trò chuyện, anh Nguyễn Văn Châu vẫn chưa thể quên những ngày gian khó, đó là thời điểm khi chưa có nguồn nước tưới từ hồ chứa Đá Mài-Tân Kim. Ngày ấy, cuộc sống của người dân Đâu Bình 1 gặp nhiều khó khăn, quanh năm chỉ trồng cây lạc nhưng do thiếu nước nên năng suất không cao. Đến năm 2010, khi có nguồn nước tưới, nhiều diện tích đất hoang hóa, khô cằn trước đây đã được người dân cải tạo để trồng lúa. Gia đình anh Châu canh tác được 5 sào ruộng, từ đó chủ động nguồn lương thực. Có nước tưới, diện tích trồng lạc cũng được mở rộng, kinh tế mỗi gia đình dần khấm khá hơn. “Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã từng bước đưa cơ giới vào thay thế lao động thủ công. Cùng với đó, nhiều cây trồng mới, phương thức sản xuất mới được áp dụng rộng rãi nên năng suất lao động cao hơn. Như gia đình tôi, cả 5 sào ruộng đều được đưa vào sản xuất giống lúa chất lượng cao thay thế các loại giống truyền thống, toàn bộ diện tích lạc đều áp dụng phủ bạt nilon nên năng suất tăng lên rõ rệt (1 sào lạc sản xuất theo phương pháp truyền thống năng suất chỉ đạt gần 1 tạ, nhưng khi đưa vào sản xuất bằng phương pháp phủ bạt nilon, năng suất đạt gần 1,5 tạ). Để chủ động trong sản xuất, tôi đã mua sắm nhiều loại máy phục vụ sản xuất kết hợp làm dịch vụ để cải thiện thu nhập cho gia đình. Hiện tại, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi đang cải tạo vườn tạp để đưa vào trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn”, anh Châu cho biết.

 

Dọc theo tuyến đường bê tông uốn quanh thôn Đâu Bình 1, ấn tượng nhất với chúng tôi chính là những mảnh vườn tạp đã được người dân cải tạo, xây dựng khuôn viên và nhiều cây trồng mới đang đâm chồi, nảy lộc. Từ những vườn tạp với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế không cao đến những khoảnh đất bỏ hoang bị lấn chiếm bởi cây dại, người dân Đâu Bình 1 đã đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp. Từ đó, ngày càng có nhiều mảnh vườn được “thay áo mới” bằng những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả, cây chè vằng…Câu chuyện cải tạo vườn tạp của ông Trần Văn Thán là một minh chứng cho tinh thần quyết tâm làm giàu của người dân nơi đây. Đứng trên vườn cây ăn quả và chè vằng đã bén rễ xanh tốt, ông Thán cho biết, trước đây, mảnh đất này là 1 bãi đất hoang với lổm nhổm đá, chỉ có cây dại mọc. Với quyết tâm cải tạo để xây dựng vườn cây ăn quả, từ đầu năm 2018, vợ chồng ông bắt tay vào thực hiện. Muốn có một tấc đất để đặt cây xuống trồng, ông Thán cùng vợ phải vận chuyển đi chừng ấy khối đá. Như con ong chăm chỉ, sau hơn 3 tháng khai hoang, toàn bộ khối lượng đá trong lòng đất đã được vợ chồng ông Thán vận chuyển đến các điểm xung quanh đặt làm tường rào, mảnh vườn tạp lổm nhổm đá, cây gai trước đây dần mang hình hài của một vườn cây ăn quả. Tháng 10/2018, ông Thán bắt đầu cho xuống giống gần 190 gốc cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, nhãn, chôm chôm, cam… Xen với cây ăn quả, ông trồng thêm trên 6.000 gốc chè vằng. Hôm chúng tôi ghé thăm, mảnh vườn của ông Thán đã khoác lên mình màu xanh mới, dự kiến đến tháng 6/2019 sẽ cho thu hoạch lứa chè vằng đầu tiên. “Muốn quê hương phát triển thì bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực cố gắng. Vấn đề cải tạo vườn tạp được gia đình tôi thực hiện từ nhiều năm trước, ngoài 1 ha cao su, trong vườn tôi đã cải tạo để trồng gần 100 gốc thanh long, chanh các loại, hiện tại đã cho thu hoạch. Hơn 3 sào chè vằng và cây ăn quả các loại là diện tích tôi mở rộng thêm nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong thời gian tới, tôi dự kiến sẽ đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt để cây trồng trong vườn phát triển tốt hơn”, ông Thán cho hay.

 

...Đến sự nỗ lực của chính quyền địa phương

 

Thôn Đâu Bình 1 có 65 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp với diện tích đất tự nhiên 16 ha. Từ khi có nguồn nước tưới từ hồ chứa Đá Mài- Tân Kim đã làm cho đời sống của người dân nơi đây dần được cải thiện. Ngoài diện tích lúa nước do người dân tự khai hoang, huyện Cam Lộ đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm tại cánh đồng Trằm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trồng chuyên canh các loại cây hoa màu (ngô, lạc, dưa các loại) quanh năm. Khi đã chủ động nguồn lương thực, người dân Đâu Bình 1 bắt đầu chú trọng phát triển sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày (cây cao su), đến nay toàn thôn đã có trên 40 ha cao su đã cho khai thác mủ. Trên cơ sở lợi thế của vùng gò đồi, xã Cam Tuyền đã chú trọng đầu tư xây dựng tại Đâu Bình 1 các vùng trồng cây chè vằng, trồng lạc phủ nilon…, được người dân đồng tình ủng hộ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Đi đôi với chú trọng phát triển sản xuất, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng được thôn Đâu Bình 1 quan tâm thực hiện. Bí thư Chi bộ thôn Đâu Bình 1 Hoàng Ngọc Ánh cho biết: “Năm 2013, thôn có 18 hộ nghèo. Để các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, cấp ủy đảng, ban điều hành thôn Đâu Bình 1 đã bắt tay vào cuộc. Bước đầu là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ nghèo, đồng thời tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mỗi hộ, tìm rõ nguyên nhân dẫn các hộ đến nghèo, xem họ cần gì để địa phương hỗ trợ kịp thời. Sau khi nắm được nhu cầu của các hộ nghèo trên địa bàn (chủ yếu thiếu vốn và phương thức sản xuất), cấp ủy đảng đã phân công nhiệm vụ đến từng hội, đoàn thể trực tiếp động viên, giúp đỡ các hộ nghèo. Nhờ vậy, các hộ nghèo trên địa bàn đã được tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác từ các hội, đoàn thể. Người nghèo còn được tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, nhờ vậy tư duy, nhận thức về làm kinh tế của các hộ nghèo trên địa bàn có sự thay đổi rõ nét. Để người nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả nhất, tất cả các hộ vay vốn đều phải kí cam kết về cách thức thực hiện. Nếu được hỗ trợ 1 con bò giống, hộ nghèo phải cam kết chăm sóc tốt; hay khi hỗ trợ cây giống, mỗi người nghèo phải cam kết sẽ trồng và chăm sóc theo hướng dẫn kĩ thuật được chuyển giao…Chính các đoàn thể là lực lượng trực tiếp giám sát việc thực hiện cam kết của các hộ nghèo. Với những cách làm hay, quyết liệt của thôn Đâu Bình 1, các hộ nghèo đã được tiếp thêm động lực để vượt khó, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Như trường hợp của ông Trần Văn Lực, trước đây từng là hộ nghèo do bản thân thường xuyên đau ốm, thiếu đất, thiếu kiến thức về sản xuất…Với sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân, ông Lực được tạo điều kiện để vay 15 triệu đồng mua 2 con bò giống, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật về trồng trọt, chăn nuôi nên ông cùng gia đình đã cải tạo vườn tạp, nhận thêm ruộng để canh tác. Kinh tế gia đình ông Lực đã từng bước khởi sắc và dần thoát khỏi đói nghèo. Từ chỗ hộ nghèo chiếm gần 30% dân số, sau hơn 5 năm với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, ban điều hành thôn, đến cuối năm 2018, Đâu Bình 1 đã chính thức xóa hết hộ nghèo.

 

Trở lại Đâu Bình 1 hôm nay, đi nơi đâu chúng tôi cũng được nghe nhiều đến câu chuyện về làm kinh tế, cải tạo vườn tạp, chuyện hiến đất, hiến cây để mở rộng đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Người dân ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì quê hương ngày càng đổi mới và càng nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Hoàng Ngọc Ánh cho biết thêm: “Hiện nay thu nhập bình quân của người dân thôn Đâu Bình 1 đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; 100% đường nội thôn đã được bê tông hóa; 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới Đâu Bình 1 đã hoàn thành. Nhiệm vụ trọng tâm chúng tôi thực hiện trong thời gian tới đó là giữ vững thôn “trắng” hộ nghèo, mở rộng diện tích chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả, tiếp tục hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đốc thúc người dân đẩy mạnh hơn nữa phong trào cải tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập”.

 

“Đâu Bình 1 thực sự là một điểm sáng trong phong trào xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trên cơ sở những cách làm hay, hiệu quả này, chúng tôi sẽ nhân rộng tại các thôn còn lại, từ đó góp phần cùng xã Cam Tuyền giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, tiến đến hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tiếp theo”, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Hoàng Liên Sơn nhấn mạnh.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,242
  • Tổng lượt truy cập9,580,827
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây