Trồng rau xứ lạnh trên đất Hướng Hóa

Thứ hai - 10/12/2018 04:17
Với đặc thù của các tiểu vùng khí hậu mát mẻ và thế mạnh đất đỏ ba dan, những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới, trong đó có nhiều loại cây ăn quả, cây rau màu được đưa từ miền Bắc vào như cam Hòa Bình, bắp cải, su lơ trắng, su lơ xanh, cà rốt… Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm nhưng những loại cây xứ lạnh tỏ ra khá thích nghi với khí hậu, thời tiết ở vùng cao Hướng Hóa và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa thu hoạch bắp cải, su lơ
Người dân thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa thu hoạch bắp cải, su lơ

Chị Lê Thị Cẩm Lệ ở khối 7, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa từng có 9 năm sống ở vùng nông thôn Bắc Kạn và tham gia sản xuất nông nghiệp nên chị hiểu rất rõ cách canh tác các loại rau mang tính đặc trưng vùng miền như các loại cây ăn quả và rau chịu lạnh ở miền Bắc. Trở về lại quê hương Hướng Hóa nơi có khí hậu khá mát mẻ cộng với lợi thế về đất đỏ ba dan chị Lệ quyết định mang giống cây ở miền Bắc vào trồng thử. Năm 2016, chị thành lập trang trại trồng cây ăn quả, rau màu và chăn nuôi rộng gần 2 ha, trong đó trồng cam Hòa Bình hơn 1 ha, trồng rau màu 6 sào, còn lại đất chăn nuôi. Trong số 6 sào rau màu, chị Lệ đầu tư trồng 5 sào các loại cây rau màu chịu lạnh có nguồn gốc từ miền Bắc như bắp cải, su lơ xanh cây, su lơ trắng, su hào…Mỗi năm trồng 1 vụ, mỗi vụ trồng 2 lứa, bắt đầu từ tháng 8 gieo hạt lứa đầu tiên, sau 3 tháng thu hoạch, rồi tiếp tục gieo hạt lứa mới, trồng tới tháng 3 năm sau. Chị Lệ trồng rau hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ như chỉ bón phân chuồng hoai mục được ủ với men diệt nấm. Dung dịch phòng trừ sâu bệnh được chị tự chế từ các loại củ, trái của cây gia vị như tỏi, gừng, ớt ngâm rượu, cùng với giống rau nhập ngoại từ Hàn Quốc đảm bảo chất lượng nên cho sản phẩm tốt, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Do sản phẩm su lơ xanh bán được giá nên vụ rau năm 2018, chị Lệ trồng mỗi lứa 2.000 cây su lơ xanh, 800 cây bắp cải, 200 cây su hào và một số su lơ trắng. Đầu tháng 12 chị tiến hành thu hoạch các loại rau này, nhu cầu tiêu thụ của người dân đối với bắp cải, su lơ trồng tại chỗ tương đối nhiều. Năm ngoái, chị thu hoạch đến đâu bán hết đến đó với giá cải bắp 15.000 đồng/kg, su lơ xanh 23.000 đồng/búp, su lơ trắng 15.000- 20.000 đồng/búp... Mỗi vụ rau 2 lứa, chị Lệ thu hoạch đạt trị giá sản phẩm gần 150 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí trồng bắp cải, su lơ rất thấp, một số vật liệu làm dung dịch phòng trừ sâu bệnh chị Lệ tự trồng được nên giảm chi phí, cả 2 lứa trồng 5 sào rau chi phí tiền phân và tiền giống khoảng 21 triệu đồng. Chị Lệ cho biết: “Vùng đất này khá thích hợp để trồng các loại giống rau miền Bắc. Đây là vụ thứ 2 tôi trồng bắp cải và su lơ đạt kết quả tốt. Rau của tôi trồng hoàn toàn sạch nên người dân tiêu thụ khá nhiều. Do diện tích đất của gia đình có hạn nên tôi chỉ canh tác trong diện tích 5 sào và tập trung nâng cao chất lượng để cung cấp sản phẩm tốt nhất, an toàn cho người dân trên địa bàn”.

 

Hiện nay, không chỉ vùng Khe Sanh mà cả vùng Bắc Hướng Hóa đều phát triển cây rau màu. Toàn huyện có 75 ha rau màu, trong đó có khoảng 9- 10% diện tích trồng các loại rau thích hợp với khí hậu lạnh, tập trung ở các xã, thị trấn như: Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân… Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Khả cho biết: “Dựa vào lợi thế khí hậu ở vùng núi mát mẻ nên nhiều địa phương của huyện khuyến khích người dân trồng các loại rau ưa lạnh có giá trị kinh tế cao. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã kết nối với các đơn vị sự nghiệp và các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững để tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác các loại rau mới du nhập cho người dân. Bình quân mỗi năm tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau”.

 

Giá các loại rau bắp cải, su lơ trồng tại vùng Hướng Hóa thường cao hơn từ 1,2- 1,5 lần so với rau cùng loại nhưng người tiêu dùng trên địa bàn vẫn chấp nhận mua vì họ tin tưởng đảm bảo an toàn thực phẩm, rau không phun thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân vô cơ nên không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chị Lệ cho biết thêm: “Rau trồng không đủ bán, tôi chỉ bán ở chợ Khe Sanh mà đưa ra đến chợ một lát là bán hết. Nhiều cửa hàng rau sạch ở Đông Hà đặt hàng nhưng tôi không đủ cung cấp theo nhu cầu, chỉ được một lượng ít”.

 

Nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người tiêu dùng ngày càng nhiều, nhất là các loại rau có giá trị dinh dưỡng như su lơ xanh, su lơ trắng, cải bắp, cà rốt… là các loại rau mới đưa vào sản xuất ở vùng Hướng Hóa cho kết quả khá tốt. Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lại ưa thích các loại rau này được trồng tại chỗ nên đây là một hướng phát triển tốt cho nông dân Hướng Hóa. Hiện trên thị trường của tỉnh có nhiều loại rau ở khắp các vùng miền trong và ngoài nước đưa về cung cấp. Do đó, không loại trừ trường hợp người tiêu dùng bị mua nhầm các loại rau không rõ nguồn gốc. Vì thế để đảm bảo các loại rau sạch trên địa bàn không bị lợi dụng, các hộ sản xuất rau ở Hướng Hóa nói riêng và toàn tỉnh nói chung cần có sự liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm và đăng ký chứng nhận rau an toàn để người tiêu dùng có thể nhận biết được. Phát triển tốt sản xuất và tổ chức tốt khâu tiêu thụ thì trồng các giống rau mới có nguồn gốc xứ lạnh ở Hướng Hóa là một hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở vùng cao này, nhằm khai thác tốt thế mạnh đất đai, tiểu vùng khí hậu, tạo thu nhập cho nông dân và cung cấp nguồn rau sạch, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,362
  • Tổng lượt truy cập9,580,947
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây