Vừa dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn được thực hiện tại ao nuôi của mình, ông Hoài cho biết: “Tôi vừa thu hoạch lứa tôm nuôi theo quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn do Trạm KN huyện hỗ trợ với sản lượng gần 4,5 tấn, kích cỡ từ 70 - 72 con/kg. Mặc dù giá tôm thời điểm thu hoạch xuống thấp, chỉ được 104.000 đồng/kg nhưng sau khi trừ chi phí, tôi vẫn thu lãi được gần 100 triệu đồng”. Theo ông Hoài, cách nuôi tôm từ trước đến nay của nông dân đó là thả nuôi từ tôm post lên nên chi phí cao, độ rủi ro lớn. Trong khi với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn này, sau khi được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trạm KN huyện, ông đã đầu tư xây dựng 1 ao ương có lưới che và nilon bao quanh rộng gần 300 m2 , tu sửa ao nuôi chính có diện tích 2.000 m2 , ao lắng và xử lý nước trước khi đưa vào ao chính; lắp đặt hệ thống điện 3 pha, máy phát dự phòng; hệ thống quạt nước, ôxy đáy, hệ thống xiphong chất thải đáy ao… Tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu gần 350 triệu đồng. Nuôi theo quy trình này thì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, song hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đây. Ông Hoài nuôi 90 ngày đã cho thu hoạch, năng suất, sản lượng đều cao, giảm thiểu rủi ro và chi phí trong quá trình nuôi. Đặc biệt, kiểm soát được môi trường nuôi, quá trình nuôi không sử dụng hóa chất và kháng sinh mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, chất lượng tôm được kiểm soát chặt chẽ nên đầu ra thuận lợi.
“Tôm nuôi, đặc biệt là tôm giống rất nhạy cảm với dịch bệnh cũng như sự thay đổi của các yếu tố môi trường sống. Vì vậy, để tạo điều kiện tốt nhất cho tôm giống phát triển, tôi đầu tư ao ương tôm giống riêng biệt, gần như cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Với ao ương này chỉ có tôi mới được vào. Vì cách ly với không gian bên ngoài nên tránh được mầm bệnh, đồng thời có thể tạo riêng một tiểu vùng khí hậu phù hợp nhất cho quá trình sinh trưởng của tôm. Sau 30 ngày ương nuôi, tôm giống lúc này có kích cỡ bằng khoảng chiếc đũa thì đã định hình được quá trình sinh trưởng rất vững chắc rồi. Khi bung ra ao lớn thì tốc độ phát triển của tôm nhanh hơn”, ông Hoài nhấn mạnh.
Theo ông Hoài, ưu điểm của mô hình này là trong tháng đầu tiên tôm được ương trong ao có diện tích nhỏ, gần như kín hoàn toàn nên việc quản lý, chăm sóc tốt hơn so với nuôi trong ao nuôi lớn. Do ao ương được làm lệch đáy từ 1 - 1,2 m nên việc sang tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm. Về tốc độ sinh trưởng, do ao ương có diện tích nhỏ nên tôm tìm kiếm thức ăn dễ dàng hơn, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, bình quân 1 ngày giảm khoảng 2,5 con, sau 30 ngày ương tôm đạt kích cỡ khoảng 700 con/kg. Giảm được chi phí thức ăn, nếu như trước đây khi nuôi trong ao lớn, tháng đầu tiên phải tốn từ 7 - 8 tạ thức ăn thì bây giờ chỉ tiêu tốn khoảng 3 tạ thức ăn. Ngoài ra, do tôm giống đạt kích cỡ lớn trước khi đưa ra nuôi trên ao lớn nên rút ngắn được thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. Khi thực hiện theo mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn này còn giúp giảm công lao động trong giai đoạn 1 tháng tuổi; hạn chế thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn đầu; lượng nước thải ra môi trường ít hơn so với nuôi thải trực tiếp nên hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ông Hoài cũng lưu ý, trước khi tiến hành san tôm khoảng 5 ngày cần bơm nước tuần hoàn từ ao lớn sang ao ương để trung hòa các yếu tố môi trường nhằm giúp tôm không bị sốc môi trường do các yếu tố giữa 2 ao khác nhau. Ao ương cần làm lệch đáy so với ao nuôi chính để thuận tiện cho việc san tôm bằng cách tháo ống xả, không nên sử dụng các biện pháp như chài, kéo lưới để san tôm vì dễ làm tôm bị xây xát, cong thân, đục cơ. “Nuôi theo mô hình này ước tính có lợi hơn so với cách nuôi truyền thống từ trước đến nay khoảng 1/3, đặc biệt là trong tháng nuôi đầu tiên. Nếu như trước đây tháng đầu tôi chi phí hết khoảng 70 - 80 triệu đồng thì giờ chỉ tốn xấp xỉ 30 triệu đồng. Tôm nuôi được Công ty CP lấy mẫu kiểm tra đảm bảo an toàn và thu mua toàn bộ”, ông Hoài cho hay.
Trạm trưởng Trạm KN huyện Vĩnh Linh Lê Chí Công cho biết, tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện gần 300 ha, sản lượng hằng năm gần 1.200 tấn, mang lại lợi nhuận cho người nông dân hơn 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, thu nhập từ nuôi tôm trên địa bàn huyện không ổn định và có chiều hướng giảm do chất lượng con giống kém, môi trường nuôi ngày càng suy giảm, dịch bệnh liên tục xảy ra. Vì vậy, với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học theo công nghệ Biofloc mà Trạm KN huyện triển khai này có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí và phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Theo ông Công, đây là quy trình nuôi đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp trong cả nước áp dụng thành công. Tại tỉnh Quảng Trị, đây là một trong những mô hình đầu tiên được áp dụng và bước đầu đã có những kết quả nhất định. “Mặc dù bị ảnh hưởng do thời điểm thu hoạch giá tôm giảm thấp kỷ lục nhưng lợi nhuận thu được từ mô hình cũng đạt xấp xỉ 100 triệu đồng. Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh trên tôm nuôi đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay thì các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn này sẽ góp phần hạn chế tối đa dịch bệnh, đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt”, ông Công cho hay.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn