Thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong những ngày sau lũ ngổn ngang vì thiệt hại. Đang vận động người dân chỉnh trang lại đường giao thông nông thôn, Trưởng thôn Dương Đại Thuận Nguyễn Chí Quốc cho biết: “Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt làng quê này, với sự hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của người dân, giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, đời sống người dân được nâng lên đáng kể nhờ sản xuất phát triển, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao…Tuy nhiên, trận lũ lịch sử vừa qua đã làm cho gần 40% đường giao thông bị hư hỏng, xói lở nặng, nhiều nhà dân bị ngập sâu, hư hại nặng, đặc biệt là trên 80% trang trại, gia trại trên địa bàn bị mất trắng hoàn toàn, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân cũng như cảnh quan môi trường”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Võ Văn Hưởng cho hay: “Là một xã thuần nông nhưng với nhiều nỗ lực, từ năm 2015, xã Triệu Thuận đã đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2020- 2025, địa phương sẽ phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu. Sau lũ, chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM hầu như bị ảnh hưởng, mưa lũ đã làm 100% nhà ở của hộ dân bị ngập, trong đó có khoảng 50% số nhà bị ngập sâu từ 1 - 1,5m; 30 - 40% đường giao thông nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng; hàng chục trang trại, gia trại bị thiệt hại nặng nề, trong đó có trang trại thiệt hại từ 500 - 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số tiêu chí khác như y tế, giáo dục, môi trường… cũng bị ảnh hưởng vì mưa lũ đã làm hư hỏng nhiều công trình trên địa bàn”.
Sau khi sáp nhập, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh đánh giá lại và đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản hoàn thiện. 100% hệ thống giao thông trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 90% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 37,8 triệu đồng/ người/năm, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 39 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn kéo dài và ngập lụt cục bộ (tại thôn Hiền Lương và một phần thôn Liêm Công Phường) đã gây thiệt hại lớn về kinh tế- xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM và việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương, ước tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn xã khoảng 23 tỉ đồng.
Cụ thể, đối với tiêu chí giao thông, mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị sạt lở; 9,6 km đường trục chính ra khu sản xuất bị sạt lở mặt đường, lề đường gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Cùng với đó, các công trình thủy lợi trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mưa lớn làm các đập điều tiết, cống ngăn mặn bị sạt trôi, một số tuyến mương bê tông bị vỡ, các tuyến mương đất bị sạt lở làm cát trôi lấp đồng ruộng sản xuất. Đối với tiêu chí trường học cũng giảm chất lượng do ảnh hưởng của thiên tai. 4 phòng học của Trường Tiểu học Hiền Thành ngấm nước, móng, tường và trần nhà bị nứt lớn, có nguy cơ đổ sập. Các lớp học buộc phải chuyển qua học tạm tại phòng hiệu bộ của nhà trường. Trường Mầm non điểm Hiền Lương bị ngập lụt nhiều ngày đã làm cho nhiều đồ dùng học tập, đồ chơi của các cháu bị hư hỏng... Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề đã làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Sau mưa lũ, các thôn bị ngập có môi trường, cảnh quan bị tác động, nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm làm giảm chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các tiêu chí trong xây dựng NTM, hiện tại các địa phương đang nỗ lực khắc phục khó khăn, động viên người dân tập trung sản xuất, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm cho hay: “Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đã được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã huy động lực lượng công an, quân sự, đoàn thanh niên phụ giúp người dân vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. UBND xã cũng tích cực chỉ đạo các thôn vệ sinh, chỉnh trang NTM. Mặt trận xã, Hội Chữ thập đỏ, trạm y tế xã và các đội thiện nguyện đã phối hợp tốt, kịp thời phân phát các suất quà, thuốc men đến người dân vùng bị ngập. Đối với các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn bị hư hỏng nặng, do ngân sách địa phương không đảm bảo tu sửa nên xã mong muốn cấp trên hỗ trợ kinh phí”.
Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Võ Văn Hưởng thông tin thêm: “Trước mắt, chính quyền địa phương đang động viên người dân phát huy nội lực để khôi phục sản xuất, sửa sang nhà cửa, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, cải tạo đồng ruộng bị bùn vùi lấp để kịp cho sản xuất vụ đông xuân. Các đợt mưa lũ vừa qua đã làm trên 70% diện tích hoa màu trên địa bàn bị mất trắng, toàn bộ nguồn giống lúa bị ngâm nước, các trang trại, gia trại bị thiệt hại nặng nề nên nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu nghiêm trọng. Được sự quan tâm của cấp trên, địa phương đã nhận được 2 tấn giống lúa để phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về cây, con giống, nhất là giống lúa, giống rau màu các loại để người dân kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, nhiều hộ dân cũng mong muốn được Nhà nước quan tâm khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế có điều kiện khôi phục sản xuất sau thiên tai…”.