Triển khai thực hiện Kế hoạch số 90/KH-PTNT ngày 28/02/2020 về việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2020; Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn để nâng cấp sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ tham gia dự thi OCOP trong năm 2020.Tham gia lớp tập huấn có các chủ thể là chủ các Doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã và chủ các cơ sở có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2020. Thông qua lớp tập huấn đã giới thiệu đến các chủ thể sản xuất kinh doanh những chuyên đề quan trọng bao gồm yêu cầu công nhận sản phẩm OCOP; nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; chuẩn bị hồ sơ công nhận sản phầm OCOP.
Bên cạnh việc giới thiệu chu trình OCOP thường niên, các căn cứ đánh giá và bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm; phương án phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi thì các nội dung liên quan trực tiếp đến sản phẩm như ghi nhãn hàng hóa và hệ thống truy xuất nguồn gốc được các chủ thể đặc biệt quan tâm. Các nội dung ghi nhãn hàng hóa phải đúng theo quy định như : tên hàng hóa được ghi ở vị trí dễ thấy, dễ đọc; tên hàng hóa là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung khác; tên hàng hóa là do chủ thể tự đặt nhưng không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa...; cách ghi tên của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, cách ghi định lượng hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa... Việc tự quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng sẽ giúp các tổ chức, cá nhân quản lý tốt hơn sản phẩm của mình. Hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua tem QR CODE là loại thông dụng do có nhiều tính ưu việt được áp dụng chung trên toàn thế giới. Nội dung bảo hộ nhãn hiệu cũng là một nội chính giúp chủ thể hiểu được từ nhãn mác muốn trở thành nhãn hiệu hoặc thương hiệu thì phải làm gì, có các loại nhãn hiệu gì (nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý), bảo hộ nhãn hiệu thì phải xác định được những nội dung như: xác định được sản phẩm có tiềm năng, xây dựng bản mô tả danh tiếng của sản phẩm, xây dựng các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm, mô tả đặc điểm của giống cây trồng, hoặc giống vật nuôi, hoặc nguyên liệu tạo ra sản phẩm, xác định các yếu tố tự nhiên hay con người tạo ra chất lượng đặc thù của sản phẩm, xác định được khu vực sử dụng thương hiệu, xây dựng logo và nhãn mác cho sản phẩm và đăng ký thương hiệu/nhãn mác. Khâu cuối cùng nhưng cũng là một khâu mang tính quyết định đó là quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm được thực hiện phổ biến qua các hình thức như quảng cáo trên truyền hình/ đài, báo, tạp chí, tời rơi, poster, hội nghị khách hàng, tổ chức các buổi thử nếm, thi nấu ăn chế biến…
Tại buổi tập huấn, các chủ thể cũng đã được trao đổi thảo luận những vấn đề còn gặp khó khăn và cách giải quyết, được hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ một cách đầy đủ và chi tiết để hoàn thành mục tiêu gửi hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh trong tháng 11 năm nay.