Chương trình xây dựng Nông thôn mới sẽ đi vào chiều sâu

Thứ tư - 25/11/2020 02:25
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đang trong thời kỳ chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, vừa nỗ lực chạy nước rút về đích vừa chuẩn bị cho hành trình “chạy bền” tiếp theo. Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn Việt về những công việc trọng tâm của giai đoạn này.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới sẽ đi vào chiều sâu

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết: Năm 2020 được xác định là năm bản lề của Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đây là thời điểm để đánh giá lại những gì đã thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2021 – 2025. Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xác định có hai nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tập trung đôn đốc, kiểm tra, rà soát để hoàn thành mục tiêu cao nhất của Chương trình trong giai đoạn 2016 – 2020. Mặc dù nhiều mục tiêu cơ bản chúng ta đã đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra trước thời hạn 1,5 năm, tuy nhiên để tạo đà cho giai đoạn mới, các địa phương cần tiếp tục phấn đấu để đạt được những mục tiêu cao hơn. Hiện còn 35 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM và 18 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nên mục tiêu đặt ra là trong năm 2020, tất cả các huyện trên cả nước sẽ có ít nhất một xã đạt chuẩn NTM và tất cả các tỉnh sẽ có ít nhất một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình cấp có thẩm quyền thông qua Chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, phải xây dựng các đề án nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ việc thực hiện Chương trình giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể đó là các đề án gì, thưa ông?

Đề án đầu tiên là xây dựng chủ trương đầu tư của Chương trình NTM giai đoạn 2021 – 2025. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ để họp thẩm định cấp Nhà nước. Dự kiến vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư để làm căn cứ triển khai chương trình ngay khi bắt đầu năm 2021. Đề án thứ 2 chính là xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021 – 2025. Bộ NN&PTNT đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành và 21 Bộ, ngành để dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định ban hành Bộ tiêu chí. Định hướng giai đoạn mới này, Bộ tiêu chí quốc gia sẽ có 3 cấp độ gồm cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Ở mỗi cấp độ có các mức độ xây dựng NTM khác nhau. Đối với cấp xã, sẽ có xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Tương tự cấp huyện có huyện đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Riêng với cấp tỉnh, do hiện chưa có tỉnh nào thực sự hoàn thành và đạt chuẩn NTM mà mới chỉ có 2 địa phương đạt cấp độ hoàn thành nên chúng tôi đề xuất chỉ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM chứ chưa đưa ra nội hàm tỉnh đạt chuẩn NTM. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên thí điểm xây dựng đề án tỉnh NTM. Khi Hà Tĩnh triển khai, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ đánh giá, xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ tiêu chí cấp tỉnh đạt chuẩn NTM vào thời điểm thích hợp.

Đề án thứ 3 là kiện toàn hệ thống văn phòng điều phối NTM các cấp. Thời gian qua, bộ máy văn phòng điều phối NTM các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Trung ương, cấp tỉnh, đến cấp huyện. Dù đang thực hiện Nghị quyết 18, 19 về sắp xếp và tinh gọn bộ máy nhà nước thì các địa phương vẫn thấy cần thiết duy trì một hệ thống văn phòng điều phối các cấp chuyên nghiệp, đầy đủ năng lực. Đến nay dự thảo này đã được Bộ Nội vụ đồng ý về nguyên tắc và chúng tôi sẽ triển khai lấy ý kiến của các địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chương trình OCOP hướng đến phát huy sản phẩm đặc sản, truyền thống của từng vùng miền.
Chương trình OCOP hướng đến phát huy sản phẩm đặc sản, truyền thống của từng vùng miền.

Ông nhận định thế nào về nhận thức của các địa phương đối với Chương trình?

Chúng tôi rất vui mừng khi được biết một số Đảng bộ cấp huyện đã xác định NTM là chủ đề thảo luận tại Đại hội Đảng, như huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) - huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM - đã đưa chương trình xây dựng NTM nâng cao vào chủ đề Nghị quyết của Đại hội. Huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đưa chủ đề thí điểm huyện NTM kiểu mẫu là chủ đề thảo luận của Đại hội. Qua đó có thể thấy NTM không chỉ là một giải pháp, mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng mà một số nơi đã xác định đây là chủ đề thảo luận của Đại hội. Tôi hy vọng với quyết tâm như vậy, chúng ta sẽ đặt nền móng để giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình xây dựng NTM sẽ ngày càng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính toàn diện và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo ông, cần làm gì để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong xây dựng Nông thôn mới?

Mục tiêu cơ bản của giai đoạn tới là phấn đấu có tối thiểu 80% số xã đạt chuẩn NTM, hiện con số này là 60%. Tuy nhiên, 40% còn lại lại là những xã rất khó khăn. Trong các giải pháp triển khai chương trình giai đoạn 2021 – 2025, giải pháp đầu tiên là tăng cường nguồn lực, hướng đến mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí và trong 15 tiêu chí đó phải đạt được các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu tác động trực tiếp đến người dân như giao thông, thủy lợi, môi trường, công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân thì chúng ta phải hỗ trợ để đẩy mạnh các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như hiện nay có rất nhiều địa phương có quỹ đất lớn thì chúng ta có thể chuyển đổi từ trồng rừng kém hiệu quả, cây giá trị thấp sang trồng rừng cây gỗ lớn có giá trị cao hoặc chuyển đổi sang mô hình cây ăn quả (bưởi, cam, ổi, mít, xoài…) Đồng thời, đầu tư vùng nguyên liệu, đường giao thông, hệ thống thủy lợi... Cũng trong nội dung về kinh tế, chúng ta phải thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, trong đó chú trọng chương trình OCOP, hướng tới góp phần phát huy được sản phẩm đặc sản truyền thống của từng vùng miền và nâng cao thu nhập người dân gắn với phát huy được tiềm năng du lịch nông thôn của các xã, huyện ở vùng khó khăn. Chúng tôi cũng rút ra được bài học kinh nghiệm rằng phải tăng cường bố trí luân chuyển cán bộ có năng lực. Ví dụ như chọn cán bộ cấp sở, ngành có năng lực đưa về làm lãnh đạo chủ chốt cấp huyện ở các vùng khó khăn; chọn cán bộ có tâm huyết, có năng lực ở phòng ban cấp huyện về lãnh đạo chủ chốt cấp xã. Có như vậy thì mới có thể biến những nguyên tắc, những giải pháp thành hành động cụ thể ở cấp xã, cấp huyện chứ không chỉ dừng trên các văn bản.

Với các giải pháp tổng thể về tăng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn cùng giải pháp về cán bộ, Chương trình xây dựng NTM ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có nhiều khởi sắc, từng bước theo kịp tiến độ xây dựng NTM của cả nước trong thời gian tới.

Xin cám ơn ông!

Nguồn tin: Đặng Dung (Tạp chí Nông thôn Việt)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,877
  • Tháng hiện tại39,070
  • Tổng lượt truy cập9,588,655
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây