Lựa chọn sản phẩm nước súc miệng thảo dược Perfect với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc, Hải Lăng đã chinh phục hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP bởi chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Khiết, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thì chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành thêm chất lượng, mẫu mã để nâng tầm sản phẩm, phấn đấu đạt chứng chỉ sản phẩm có chất lượng tốt để mở rộng thị trường ra các tỉnh”.
Năm nay huyện Hải Lăng lựa chọn 4 sản phẩm là: Gạo sạch Hải Lăng của Liên hiệp Hợp tác xã nông sản an toàn Hải Lăng, cam K4 của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Hưng, tinh dầu tràm, nước súc miệng thảo dược Perfect của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc, tinh bột nghệ của cơ sở sản xuất Trần Kim Cử và muối đậu sả Phương Anh tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Lê Đình Lễ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “Chúng tôi mong muốn thời gian tới các địa phương sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bởi khi các sản phẩm của địa phương được xếp hạng đạt OCOP cấp tỉnh thì sẽ nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ tin tưởng đón nhận, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất”.
Là địa phương có nhiều nỗ lực trong xúc tiến xây dựng các sản phẩm OCOP, năm 2020 thành phố Đông Hà có 8 sản phẩm của 4 chủ thể tham gia đánh giá sản phẩm OCOP là: Tinh dầu gừng, nước cất lá trầu của Công ty TNHH Huyền Thoại; cao chè vằng, cao cà gai leo, trà dây thìa canh của Cơ sở sản xuất cao dược liệu Bé Xịn; gạo hữu cơ, gạo hữu cơ forkids của Công ty cổ phần Thương mại QTO Quảng Trị; cao chè vằng của Công ty TNHH Thiên Phúc Việt. Trên cơ sở các sản phẩm tham gia bình chọn, hội đồng đánh giá cụ thể theo các tiêu chí của OCOP, gồm: Sản phẩm có nguồn gốc, có nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, có sự tham gia của cộng đồng, thị trường tiêu thụ ổn định có tiềm năng mở rộng, gia tăng giá trị kinh tế. Các sản phẩm của thành phố Đông Hà tham gia dự thi đều được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã cũng như đáp ứng các tiêu chí quan trọng khác.
Năm 2020, toàn tỉnh có 7/10 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 43 bộ hồ sơ và sản phẩm tham gia dự thi. Trong đó nhóm thực phẩm có 35 sản phẩm, nhóm thảo dược có 8 sản phẩm. Nét mới của các sản phẩm tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh lần này là số lượng hồ sơ sản phẩm tham gia dự thi tăng gần gấp đôi so với năm 2019 (năm 2019 có 22 hồ sơ dự thi). Nếu như năm 2019 chỉ có 1 sản phẩm được chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (hữu cơ, VietGap, ISO, HACCP...) thì năm nay có đến 5 sản phẩm được chứng nhận. Ngoài ra, hình thức mẫu mã, bao bì được nâng lên rõ rệt so với năm 2019. Hầu hết các chủ thể tham gia đã tuân thủ việc ghi nhãn mác đúng theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định nội dung trên nhãn hàng hóa, cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu, cách ghi xuất xứ, định lượng, thông tin cảnh báo trên nhãn hàng hóa.
Hội đồng đã đánh giá, xếp hạng 38 sản phẩm OCOP của 7 địa phương, trong đó có 5 sản phẩm đạt mức điểm 4 sao, 33 sản phẩm đạt mức điểm 3 sao, 3 sản phẩm đạt mức điểm từ 40 đến dưới 50 điểm. Có 2 sản phẩm không đảm bảo điều kiện tối thiểu của Quyết định 781/QĐ-TTg. Những sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao lần này là tiền đề quan trọng để xây dựng sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao trong thời gian tới.
Qua hai năm triển khai thực hiện chương trình OCOP đã đạt được một số kết quả tích cực. Đó là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Ban điều hành chương trình OCOP tỉnh; sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành các cấp. Bộ máy tổ chức thực hiện chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện được hình thành và từng bước đi vào hoạt động đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền tập huấn về chương trình được đẩy mạnh.
Một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình OCOP là sự đồng thuận hưởng ứng của các chủ thể sản xuất để trở thành nhà sản xuất, kinh doanh có uy tín và thương hiệu. Việc cải cách thủ tục hành chính từ quản lý sang hỗ trợ đã tạo điều kiện các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng.
Thông qua cuộc đánh giá, xếp hạng lần này nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh) tham gia chương trình OCOP đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí về đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Chương trình OCOP vẫn đang được triển khai tích cực và cần sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chung tay phát triển sản phẩm địa phương tiêu biểu.