Nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 14/12/2022 10:54
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tầm chiến lược và mang tính đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với nhận thức đầu tư cho lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.
Nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, bơm vốn và tạo thêm vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất, kinh doanh. Các chính sách được ban hành góp phần cho tín dụng của ngân hàng tích cực chảy vào lĩnh vực được ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở để nhiều nguồn vốn khác khơi thông như vốn ngân sách nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi… cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó nổi bật là Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng các tổ chức tín dụng phải ưu đãi hơn cho nông dân để hưởng được ưu đãi của Nhà nước, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo Đakrông…. Có thể thấy rằng, hoạt động tín dụng chính sách của Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương.

Cùng với chính sách của Trung ương, Quảng Trị cũng ban hành chính sách riêng có mang tính đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, cụ thể là năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2015/QĐ- UBND thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% số tiền lãi cho khách hàng vay trong suốt thời hạn cho vay đối với khoản cho vay ngắn hạn; Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất đối với 02 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 30% lãi suất cho các khách hàng vay vốn tại các ngân hàng cho vay đối với khoản vay trung, dài hạn. Ngay từ khi chính sách mới được ban hành, để người dân có thể tiếp cận được với chính sách một cách nhanh chóng, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện nguồn vốn theo đúng quy trình, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong toàn tỉnh; biên soạn tờ rơi, tờ gấp với các nội dung tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhằm phổ biến rộng rãi đến tận người dân với số lượng bản in là trên 4.000 tờ được cấp phát về tận thôn, bản và dán tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường thị trấn và trụ sở thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ vốn vay cho người dân thông qua các lớp tập huấn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng như phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn báo cáo trung ương và địa phương tuyên truyền các nội dung của chính sách như: chương trình gameshow “vui cùng nhà nông” giúp người dân tiếp cận và hiểu rõ về chính sách hơn khi tham gia chương trình.

 Kết quả đến cuối năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 21 gồm các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh và thị xã Quảng Trị. Tổng kinh phí phân bổ cho các huyện để triển khai thực hiện Chương trình từ năm 2017 đến nay là 5.020.245.788 đồng với tổng doanh số cho vay là 49.503.000 đồng cho 183 hộ gia đình, cá nhân, 01 Hợp tác xã và 37 trang trại tham gia vay vốn. Trong đó kinh phí đã cấp phát để hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng tham gia vay vốn là 4.478.000.000 đồng (đạt 89,2% KH vốn giao).

Trong tất cả các địa phương thực hiện chính sách phải kể đến các huyện có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt như: Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị doanh số cho vay và thực hiện chế độ chi trả đạt hiệu quả rất cao, người dân rất phấn khởi. Riêng huyện Triệu Phong đã thẩm định cho hơn 90 khách hàng tham gia vay vốn với số tiền đã giải ngân để hỗ trợ lãi suất là 1.709.460.000 đồng; chủ yếu tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Bên cạnh đó, còn một số địa phương có rất ít khách hàng tham gia vay vốn như huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng (chỉ có 5 hộ tham gia vay); có thể khẳng định rằng chính sách cấp bù lãi suất tiền vay là một chính sách rất hiệu quả ở khu vực nông thôn và chính sách đặc thù phát triển kinh tế nông thôn của Quảng Trị, mặc dù dòng kinh phí nhà nước hỗ trợ không lớn (bình quân 1 năm ngân sách hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/năm) nhưng đã thu hút được một dòng vốn trong dân rất lớn (49 tỷ đồng) được người đồng tình hưởng ứng cao, không chỉ giúp người dân hạn chế tư tưởng trong chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước mà tạo ra sự chủ động trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập bền vững cho cư dân nông thôn.

Tuy nhiên, việc tham gia chính sách này còn gặp nhiều khó khăn do đa số các hộ gia đình cần vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh nhưng không có tài sản thế chấp do đó không thể tham gia vay vốn;một số hộ dân có dư nợ hoặc có tín dụng xấu tại Ngân hàng thương mại hoặc sổ đỏ cấp cho hộ gia đình nên khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay đối với chính sách này; công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục của một số cán bộ ngân hàng cũng như một số cán bộ xã chưa thật nhiệt tình nên một số hộ gia đình, chủ trang trại gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo quy định của ngân hàng; việc giải ngân tiền lãi được cấp bù cho người dân còn nhiều khó khăn do người dân đến hạn chưa trả lãi ngân hàng nên không có căn cứ để cấp bù hỗ trợ tiền lãi cho người dân. Với mục tiêu nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, giúp người dân từng bước ổn định thu nhập, nâng cao đời sống góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét thấy tính hiệu quả của chính sách và tiếp tục tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về  chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và đến nay đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 14, khóa VIII. Chính sách được ban hành cho thấy một tín hiệu khả quan trong công tác phát triển sản xuất trong thời gian tới, giúp người dân chủ động mạnh dạn mở rộng làm ăn kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Và để chính sách được triển khai thực hiện có hiệu quả thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân tiếp cận được ngày càng nhiều, mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, sự  vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là các địa phương và sự tham gia phối hợp của các ban ngành có liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nhà là một yếu tố quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách này. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện cũng như nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, góp phần xây dựng nông thôn Quảng Trị ngày càng đổi mới

Nguồn tin: Thùy Vân, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay23,915
  • Tháng hiện tại53,253
  • Tổng lượt truy cập8,462,895
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây