Kế hoạch hành động đã chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời quán triệt sâu sắc 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được chỉ ra để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh giải pháp đảm bảo bố trí đủ nguồn ngân sách để thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành, tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 – 2020.
Với quan điểm, nhiệm vụ giải pháp rõ ràng trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW sẽ là cơ sở để đạt các mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 từ 3-3,5%, giai đoạn 2026-2030 từ 2,5-3%; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2-2,5 lần so với năm 2020; Có thêm 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 huyện nông thôn mới nâng cao, 01 huyện nông thôn mới kiểu mẫu; có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.