Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025

Thứ sáu - 09/12/2022 21:53
Tiếp tục kế thừa những kết quả nổi bật đã đạt được trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang bắt tay vào triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều kỳ vọng.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phổ biến các chủ trương chính sách về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 cho cán bộ cấp cơ sở
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phổ biến các chủ trương chính sách về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 cho cán bộ cấp cơ sở
Tháng 11/2021, Tỉnh Ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là căn cứ quan trọng đầu tiên để các địa phương trong toàn tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình. Với quan điểm quán triệt nhất quán xuyên suốt “Nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể”; đồng thời, xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, không có điểm kết thúc; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả; không chạy theo phong trào, thành tích. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra thì việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Trên cơ sở các văn bản phê duyệt của Trung ương gồm có Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cùng với một số các văn bản quy phạm pháp luật khác; từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng, trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương và cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 ban hành Quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về việc Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG với tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn là 403.070 triệu đồng, riêng năm 2022 là 141.240 triệu đồng. 

Từ đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 17/Ctr-UBND ngày 25/3/2022 về việc Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 01/7/2022 về việc Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 với mục đích nhằm cụ thể hóa các nội dung, phân công công việc cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, xây dựng lộ trình, kế hoạch phần việc cụ thể theo từng năm nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực thực hiện.

Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trong đó cụ thể hóa khung cơ chế, chính sách của Trung ương là việc cơ sở quan trọng, đầu tiên. Căn cứ vào các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tại các Quyết định số 318/QĐ-TTg bao nhiêu, Quyết định số 319/QĐ-TTg, Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022; Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành các quyết định cụ thể hóa lại các Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới phù hợp theo quy định đối với địa bàn tỉnh bao gồm Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 04/7/2022 về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với 19 tiêu chí và 57 chỉ tiêu, tăng 08 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 04/7/2022 về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 với 19 tiêu chí và 75 chỉ tiêu, trong đó nâng cao chất lượng 36 chỉ tiêu và bổ sung thêm 35 chỉ tiêu mới. Bên cạnh đó, việc xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới được tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới theo phương châm “có nhiều thôn, bản đạt chuẩn sẽ có nhiều xã đạt chuẩn”. Do đó, đến ngày 08/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2052/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; là cơ sở cho các thôn, bản của các xã đặc biệt khó khăn hướng đến để xây dựng, hoàn thiện và đặc biệt phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra. Song song với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Quyết định số 2054/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã ban hành 48 văn bản để hướng dẫn, triển khai chương trình. Đồng thời, tại kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh sẽ thông qua quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện chương trình NTM (theo Thông tư 53/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính). Hiện tại vẫn còn một số nội dung đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, tiếp tục tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trong thời gian tới gồm: việc thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp; thành lập tổ khuyến nông cộng đồng; ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; ban hành quy định cụ thể một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; kiện toàn hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; kế hoạch triển khai 03 chương trình chuyên đề về khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo đầy đủ cho công tác triển khai thực hiện chương trình được xác định là vấn đề quan trọng hàng đầu, hết sức cần thiết và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Nguồn tin: Thùy Vân, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay6,972
  • Tháng hiện tại135,109
  • Tổng lượt truy cập8,544,751
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây