Sau hơn 4 năm triển khai (2016-2020), chương trình đã thực hiện được 128 mô hình và 182 dự án với 9.947 hộ được hưởng lợi như mô hình chăn nuôi bò sinh sản, gà, dê, bồ câu... mô hình trồng trọt: trồng chuối, trồng rừng... Nhìn chung các mô hình, dự án hỗ trợ cho nhân dân trong giai đoạn hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện thực tế của các hộ nghèo, giúp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và làm thay đổi tập quán sản xuất đối với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, thu nhập của các hộ gia đình đã được cải thiện và làm chuyển biến bộ mặt của nông thôn vùng cao. Góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua kiểm tra các mô hình hỗ trợ năm 2018 và các năm trước đây cho thấy 70% các hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ nêu trên.
Các nội dung đầu tư của chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trực tiếp tạo sự ổn định và nâng cao đời sống cho hộ nghèo, góp phần giải quyết những khó bức xúc trong đời sống kinh tế xã hội một cách bền vững. Vấn đề dân chủ ở cơ sở được phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, củng cố; đặc biệt đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng, đồng thuận cao với các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ðây là chương trình hỗ trợ có mục tiêu và được áp dụng trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua, nên các địa phương đã chủ động trong việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh kết quả đạt được công tác giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Việc lồng ghép các dự án, chương trình kinh tế- xã hội khác vào chương trình mục tiêu giảm nghèo còn hạn chế, mới chỉ dừng lại mức độ cân đối chung trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm bố trí đầu tư không có sự chồng chéo và sự cân đối về mặt lãnh thổ. Các ngành, các cấp, các đối tác cũng chưa sẵn sàng phối hợp tích cực trong việc lồng ghép các nguồn vốn cho mục tiêu giảm nghèo; Vẫn còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách khác ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, hoặc bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo; Các mô hình có quy mô lớn thiếu kinh phí để triển khai thực hiện, chủ yếu tập trung ở các mô hình có quy mô vừa, nhỏ ở dạng kinh tế hộ gia đình;
Để thực hiện và triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững cho giai đoạn tiếp theo, cần xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là tiêu chí thi đua, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, tăng cường sự tham gia của người dân để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo quy định, làm căn cứ xây dựng kế hoạch cụ thể ở từng địa phương để tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ, có hiệu quả; Đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, chủ động phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, không trong chờ, ỷ lại vào Nhà nước; Tập trung, ưu tiên thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp v.v. cùng nhau liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và kết nối thị trường, đảm bảo tính bền vững của các mô hình.