Với phương châm khoa học công nghệ đi trước một bước để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ định hướng cho các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, các dự án có triển vọng cho địa phương để mở rộng ứng dụng vào sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Trên cơ sở đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những khó khăn mà các địa phương gặp phải trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Trong lĩnh vực trồng trọt, đã tập trung khảo nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để phát triển các giống cây trồng chủ lực, có chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái trong tỉnh như: Trồng thử nghiệm cây Cà gai leo và chùm ngây trên địa bàn tỉnh; Thử nghiệm trồng cây dâu tây chịu nhiệt (Fragaria) tại khu vực Bắc hướng Hóa; Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nấm mối đen; Sản xuất thử nghiệm hoa Lily, hoa Tuylip thương phẩm chất lượng cao…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã triển khai các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển các vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Tiêu biểu là “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”. Việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các giải pháp đối với chăn nuôi bò ở đây thông qua mô hình Gia trại và Nông hộ đã chỉ rõ, chứng minh cho người dân ở đây thấy rằng chăn nuôi bò ở vùng cát ven biển hoàn toàn có thể thực hiện được và cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã tiến hành nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhân giống nuôi cấy mô Keo lai các dòng BV33, BV73, BV75; quy trình công nghệ giâm hom keo lai cải tiến và đã chuyển giao cho các Doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.
Trong lĩnh vực thủy sản, triển khai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vào quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng như ứng dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo chất lượng nước, cải thiện hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng, từ đó tăng được mật độ nuôi, tăng năng suất và hạn chế được dịch bệnh, có thể đạt năng suất 60-90 tấn/ha. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic bổ sung thức ăn nuôi trồng thủy sản phù hợp tại tỉnh Quảng Trị phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, phát triển nghề nuôi tôm nói riêng theo hướng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, theo hướng phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã áp dụng công nghệ sinh học vào thực tế sản xuất, chế biến tại cơ sở sản xuất và xử lý nước thải sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất gây ra như Xử lí chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạtbằng phương pháp sinh học (các loại chế phẩm vi sinh Compo-QTMIC; Bio-QTMIC; Tricho-Pseu) dựa trên hoạt động sống của vi sinh vật và đã phổ biến hướng dẫn cho người dân áp dụng vào sản xuất như xử lý vỏ cà phê tại huyện Hướng Hóa, xử lý chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạt tại huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng bằng chế phẩm Compo-QTMIC và Bio-QTMIC.Xử lý môi trường ao nuôi trồng thủy sản bằng chế phẩm sinh học Nitro-QTMIC. Thông qua các lớp tập huấn, người dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã: Hải An (Hải Lăng), Triệu Độ, Triệu Vân (Triệu Phong), Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh),…đã được cán bộ Trung tâm ướng dẫn kỹ thuật xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm bằng chế phẩm Nitro-QTMIC, tầm quan trọng của chế phẩm vi sinh nói chung.
Công tác ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trạm nghiên cứu, Ứng dụng khoa học – công nghệ Bắc Hướng Hóa được xem là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh với nhiều nhà xưởng, máy móc, thiết bị với nhiều quy trình công nghệ cao như: hệ thống nhà kính với đầy đủ trang thiết bị; hệ thống tưới nhỏ giọt tự động; hệ thống cảm biến tự động; hệ thống làm mát, giữ nhiệt; hệ thống camera theo dõi; hệ thống điều hành, vận hành từ xa qua Internet tại Trạm, các mô hình sản xuất thử nghiệm tập trung vào các loại hoa cao cấp, có giá trị cao như hoa Tuylip, hoa Lily, hoa lan Hồ điệp...; các loại rau quả cao cấp như Dâu tây, cà chua siêu ngọt...Tất cả đều được ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc trong hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện đại theo hướng tự động hóa. Từ đó các quy trình được chuyển giao cho người dân thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề.
Có thể nói rằng, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã có đóng góp quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng giống nông lâm sản, bảo vệ môi trường, góp phần thành công trong việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới cần chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới để đề xuất đưa vào chương trình khoa học – công nghệ. Tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học gắn với những vấn đề cấp thiết của thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi theo hướng ưu tiên triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất phát huy lợi thế của từng địa bàn dân cư vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của các nhà khoa học, các cơ quan trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cũng như phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn đảm bảo chất lượng và hiệu quả.